|
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev mới đây bình luận gay gắt về việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ quân sự mới có trị giá lên tới 61 tỷ USD cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Theo vị cựu Tổng thống, cựu Thủ tướng Nga, đây là quyết định “không có gì đáng ngạc nhiên”.
Mặc dù văn bản này sẽ phải được trình lên để Thượng viện Mỹ phê duyệt, nhưng giới quan chức Nga cho rằng, chắc chắn là các Thượng nghị sĩ Mỹ sẽ nhanh chóng xem xét và thông qua, sau đó sẽ được chuyển đến Tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden để ký ban hành.
Theo cựu nguyên thủ quốc gia Nga, việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ này là điều đương nhiên, bởi nó sẽ mang lại lợi ích cho một bộ phận giới tài phiệt vũ khí Mỹ, bởi một phần đáng kể trong số tiền này sẽ được chi cho nhu cầu của tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ.
Quyết định của Hạ viện Hoa Kỳ phân bổ hỗ trợ cho Ukraine cũng vấp phải sự chỉ trích của Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin.
Theo ông, Washington đang buộc Kiev phải chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng, chôn vùi nền kinh tế đất nước và tước đoạt tương lai của đất nước.
Giới phân tích nhận định rằng, sở dĩ các quan chức Moscow nổi giận như vậy là do việc phân bổ gần 61 tỷ USD cho Ukraine không phải là điềm báo tốt cho nước này, bởi nó sẽ giúp Mỹ có khả năng cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine những loại vũ khí tốt nhất, hiện đại nhất để có thể tấn công vào hậu phương của quân đội Nga.
Ngoài ra, số tiền này cũng sẽ giúp người Mỹ bù đắp một phần thâm hụt ngân sách hiện tại của Ukraine, giúp Kiev có tiền chiêu mộ binh sĩ, tháo gỡ tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng hiện đang diễn ra trong Lực lượng vũ trang Ukraine.
Người Mỹ có thể sẽ tập trung vào việc cung cấp cho Kiev những loại vũ khí tầm xa có độ chính xác cao, mạnh mẽ, mà trước hết, Hoa Kỳ sẽ có thể nhanh chóng cung cấp tên lửa đạn đạo ATACMS có tầm bắn 300 km, Lầu Năm Góc hiện có sẵn hàng nghìn quả đạn loại này trong kho.
Hiện nay, Mỹ và châu Âu không còn cấm Ukraine sử dụng ATACMS để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Như vậy, toàn bộ bán đảo Crimea, bao gồm cả cầu Kerch (cầu Crimea), sẽ có nguy cơ bị đe dọa tấn công.
Ngoài ra, các cơ sở quan trọng ở các khu vực khác của Liên bang Nga sẽ gặp nguy hiểm, ví dụ như các sân bay Taganrog-Central, Yeysk và Voronezh.
Hơn nữa, có khả năng Washington sẽ chuyển giao cho Kiev một số máy bay chiến đấu F-16, cùng với đó là việc chuyển giao cho Lực lượng vũ trang Ukraine một số tên lửa hành trình không đối đất, AGM-158A JASSM với tầm bắn lên tới 370 km và AGM-158B JASSM-ER hiện đại với tầm bắn lên tới 980 km.
Rất có thể Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng sẽ nhận được một lượng đạn đáng kể cho các bệ phóng M270 MLRS và M142 HIMARS, cùng với đó là bom tên lửa GLSDB có tầm bắn 150 km.
Cũng không thể loại trừ việc cung cấp hàng trăm xe tăng M1 Abrams, nhiều loại xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh và các loại xe chiến đấu bánh xích và bánh lốp khác.
Như vậy, với gói viện trợ mới có giá trị rất lớn này, Mỹ sẽ cung cấp rất nhiều vũ khí mới hiện đại, có tầm bắn rất xa cho chính quyền Kiev, giúp Lực lượng Vũ trang Ukraine có bước biến chuyển lớn về chất, nâng cao rất lớn năng lực tác chiến, gây ra nhiều khó khăn cho Quân đội Nga.
Tác giả: Hoàng Yến
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn