Lần đầu đến Trung Quốc, tôi chưa thực sự ấn tượng về đất nước tỷ dân này do đi theo tour, chủ yếu di chuyển bằng máy bay và ôtô. Trong chuyến thăm lần thứ hai, tôi đi đường bộ nên có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân Trung Quốc.
Tiêu dùng
Dù đã biết thanh toán điện tử rất phát triển tại Trung Quốc, tôi không thể ngờ gần như mọi hoạt động tiêu dùng của người dân quốc gia này đều không cần dùng tiền mặt. Từ mua rau củ, trái cây, quà vặt vỉa hè đến hàng tạp hóa, siêu thị... người Trung Quốc chỉ cần một thao tác quét mã QR là có thể thanh toán.
Dù mua trái cây, bó rau ven đường, bắp ngô ăn lót dạ... người Trung Quốc đều không cần đến tiền mặt. |
Đối với hệ thống xe buýt, ngoài máy thu tiền mặt tự động, hành khách cũng có thể quét mã để mua vé. Do đó mỗi xe buýt chỉ cần một tài xế, không cần tới phụ xe thu vé như tại Việt Nam.
Giao thông
Mạng lưới đường cao tốc nối giữa các tỉnh, thành phố có chất lượng tốt và thuận tiện cho người dân cũng như du khách. Hệ thống đường sắt trải dài, nối khắp các thành phố trọng điểm của Trung Quốc. Khách nước ngoài muốn mua vé tàu hay xe khách đến bất cứ đâu, hoàn toàn có thể tra cứu thông tin và đặt trên các website tiếng Anh. Ngoài ra, nếu bạn mua vé trực tiếp, nhân viên tại các nhà ga hay bến xe đều có thể hỗ trợ bằng tiếng Anh.
Theo một hướng dẫn viên tại Bắc Kinh, quốc gia này có nhiều sân bay nhưng không dàn khắp cả nước, do chính phủ muốn khuyến khích phát triển du lịch bằng đường bộ. Khách muốn tới một số điểm tham quan chỉ có thể đi tàu hoặc ôtô, nhờ vậy kinh tế của những tỉnh nằm giữa các điểm du lịch cũng được hưởng lợi.
An ninh
Camera xuất hiện ở khắp nơi tại Trung Quốc. Từ cao tốc, đường phố, ngõ nhỏ tới cửa hiệu, nhà hàng... đều lắp đặt camera an ninh, do đó tôi cảm thấy an toàn ngay cả khi đi một mình.
Thậm chí trên mọi taxi, xe khách, xe buýt đều có camera theo dõi hành trình và camera bên trong giúp tài xế kiểm soát trật tự chung và bao quát hoạt động lên xuống xe của khách. Đặc biệt, tại các điểm du lịch, du khách còn có thể tìm thấy những tấm biển gắn trên tường, có thông tin, ảnh chân dung của nhân viên cảnh sát và mã QR.
Những đồn cảnh sát nhỏ được đặt tại các ngã tư, bến xe, nhà ga... |
Tiếng Anh
Không dễ để tìm thấy một người có thể giao tiếp tiếng Anh lưu loát tại Trung Quốc, ngay cả khi bạn bắt chuyện với giới học sinh, sinh viên. Do đó, công cụ đắc lực nhất để bạn giao tiếp khi không biết tiếng Trung là phần mềm Google Translate và 有道翻译官, phần mềm dịch Anh - Trung phổ biến với người dân nước này. Dĩ nhiên, hãy bỏ túi vài từ cơ bản để hỏi đường, hỏi giá, mặc cả...
Tình nguyện viên du lịch giúp khách tìm đường tại Lệ Giang cổ trấn. |
Người tốt
Đi du lịch tự túc, tôi gặp không ít khó khăn khi tìm đường, mua sắm, ăn uống... và luôn được những người lạ giúp đỡ nhiệt tình, bất chấp rào cản ngôn ngữ. Một chủ tiệm mì tại Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) mời chúng tôi thêm đồ ăn và trà miễn phí khi biết cả nhóm đến từ Việt Nam.
Nhiều người có thể mang định kiến rằng người Trung Quốc thô lỗ, vô ý thức và không quan tâm tới ai khác. Tuy nhiên, người dân quốc gia này thực tế rất văn minh và hiếu khách. Chính những lần tiếp xúc trực tiếp đã cho tôi cơ hội hiểu hơn phần nào về văn hóa, xã hội và con người của đất nước tỷ dân này.
Tác giả: Phạm Huyền
Nguồn tin: Báo VnExpress