Bạn cần biết

5 bộ phận bẩn nhất của lợn nhưng nhiều người thích ăn, cẩn thận kẻo "hối không kịp"

Có những bộ phận của lợn không hề sạch như chúng ta tưởng, nếu không biết cách sơ chế và ăn quá nhiều, chúng sẽ gây nhiều tác hại cho sức khỏe.

Thịt lợn là một trong những thực phẩm quen thuộc trong các bữa cơm hàng ngày. Hầu hết các bộ phận của thịt lợn đều được mọi người sử dụng để chế biến thành những món hấp dẫn. Tuy nhiên, có một số bộ phận lại không hề sạch, thậm chí chứa nhiều vi khuẩn nhưng vẫn rất nhiều người thích ăn. Nếu không biết cách sơ chế cẩn thận và sạch sẽ, ăn có mức độ thì chúng sẽ gây hại cho sức khỏe.

1. Phổi lợn

Phổi lợn được nhiều người sử dụng để nấu cùng với các phần nội tạng khác của lợn như nấu cháo, xào, luộc, nướng để đánh tiết canh... Phổi lợn mềm, hơi dai, ngầy ngậy nên nhiều người rất thích.

Tuy nhiên, phổi là bộ phận thuộc hệ hô hấp của lợn, trong khi đó lợn có thói quen là hay hít thở sát đất nên đã hút vào phổi một lượng rất lớn bụi bẩn hàng ngày. Lượng bụi hít vào này bao gồm cả bụi bẩn và bụi kim loại nặng, nó sẽ nằm sâu và bám luôn trong phổi. Khi chúng ta ăn phổi lợn, những bụi bẩn và bụi kim loại này sẽ theo vào cơ thể người, gây hại sức khỏe. Không chỉ thế, lợn hít mũi sát mặt đất cũng như nhiều chỗ bẩn bên trong chuồng lợn, nên nó cũng hít rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng vào trong phổi. Do đó bạn nên tránh ăn phổi lợn.

Tuy nhiên nếu vẫn thích bộ phận này, bạn mua về có thể sơ chế phổi như sau: Rửa sạch phần cuống phổi, bóp nhẹ phổi với muối để loại sạch chất nhớt, lưu ý phải bóp và vắt kiệt cho đến khi phổi heo hết bọt, trắng là được.

Sau khi sơ chế sạch phổi lợn, bạn có thể đem xào, nấu cháo, nấu canh hay luộc, nướng... tùy ý.

Dưới đây là cách làm món phổi heo om củ cải, bạn có thể tham khảo:

Chuẩn bị: 200g phổi heo, 1 củ cải cỡ vừa (200g), gừng tươi, hành tím, tỏi tươi vừa đủ. Các gia vị cần thiết như dầu ăn,muối, đường, nước mắm, bột ngọt…

Cách làm: Rửa sạch phần cuống phổi, bóp nhẹ phổi với muối để loại sạch chất nhớt, bóp và vắt kiệt cho đến khi phổi heo hết bọt, trắng là được, thái miếng vừa ăn.

Củ cải gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập dập rồi băm nhuyễn. Hành tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.

Cho cảo lên bếp, thêm dầu ăn, dầu nóng thì cho gừng, hành tỏi băm vào phi thơm sau đó cho phổi vào xào săn. Nêm nếm các loại gia vị như muối, đường, nước mắm... tùy khẩu vị. Đảo đều.

Sau đó thêm nước vừa đủ, đậy vung, đun nhỏ lửa cho phổi nhừ trong 1 giờ. Sau đó cho củ cải vào, nấu thêm 20-15 phút cho củ cải mềm thì tắt bếp.

2. Lòng già

Nhiều người rất thích ăn lòng già của lợn vì bộ phận này có mùi đặc trưng, lại dai dai. Lòng già có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như nướng, luộc, nấu cháo, xào với nhiều nguyên liệu khác... khiến nhiều người không thể dừng ăn bộ phận này, nhất là dân nhậu.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, lòng già là một phần của nội tạng lợn, nó chứa hàm lượng chất béo cao, nếu ăn thường xuyên sẽ gây tăng mỡ máu. Không chỉ thế, lòng già là nơi lợn đi đại tiện nên chúng sẽ bị nhiễm nhiều vi khuẩn. Nếu không sơ chế sạch và đúng cách, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiêu hóa của người ăn vì vậy cần suy nghĩ trước khi mua.

Nếu bạn vẫn thích lòng già, nên ăn ở mức vừa phải và sơ chế như sau:

Lòng già lợn sau khi mua về, đang nhớt và tanh, nếu chỉ rửa bằng nước không thì rửa cả ngày cũng không thể sạch mà cần phải rửa với các nguyên liệu đặc biệt song cũng rất quen thuộc trong nhà bếp.

Trước tiên rửa lòng với muối để khử trùng. Sau đó chà và rửa lòng với bột mì khô. Bột mì các tác dụng hút nhiều chất béo và bẩn, vì thế sau khi chà xát khoảng 2-3 phút, lòng già đã sạch hơn nhiều. Lộn bên trong lòng già ra, tiếp tục bóp 2-3 phút với bột mì.

Tuy nhiên để lòng già sạch nhất có thể, vẫn cần phải thêm một nguyên liệu nữa đó chính là bột ngô. Sau khi xát bột mì xong chúng ta cũng cần rắc một bát bột ngô. Đặc điểm của bột ngô là không dính tay và có cảm giác sần sật vì bột ngô không mịn. Hơn nữa bột ngô khi bị ướt cũng không dính tay nên khi làm sạch lòng già, cần rắc thêm chút bột ngô này vào sẽ đem lại hiệu quả tốt.

Cuối cùng rửa lại lòng với nước nhiều lần rồi xả lại dưới vòi nước nhiều lần. Nhào cho thật sạch lòng già, sau đó cũng rửa sạch bên trong như vậy mới an toàn. Sau khi rửa sạch lòng, cho vào nồi, thêm nước, rắc vào lòng một thìa muối, 1 thìa rượu trắng, cho lên bếp đun cho đến khi lòng trắng và cứng lại thì thêm chút dầu hào. Thời gian chần này chỉ diễn ra trong vòng vài phút, chần lâu quá khiến lòng bị dai.

Tham khảo thêm cách làm lòng già xào ớt:

Chuẩn bị: Lòng già, hành boa rô, ớt đỏ dùng để xào, gừng, rượu nấu ăn, tiêu, dầu ăn

Cách làm: Sơ chế lòng già như hướng dẫn ở trên. Cho nước vào nồi, cho lòng già, gừng thái chỉ, hạt tiêu vào đun trên lửa lớn cho đến khi sôi thì giảm lửa nhỏ, luộc đến khi lòng chín mềm, có thể dùng đũa chọc thủng là được.

Vớt lòng già, để nguội, thái miếng vừa ăn. Hành boa rô rửa sạch, cắt khúc. Ớt thái chéo. Cho dầu ăn vào chảo, thêm gừng băm nhỏ vào xào thơm. Sau đó đổ phần lòng già vào xào khoảng nửa phút, không xào lâu quá, khiến lòng bị dai. Thêm 1 xíu sa tế vào (nếu không thích cay có thể bỏ qua). Đổ ớt và phần đầu trắng hành boa rô vào xào chung trong nửa phút, tắt bếp. Rắc nốt phần lá xanh của hành vào, đảo đều. Cho lòng già xào ra đĩa thưởng thức. Món ăn ngon, đậm đà, bạn có thể ăn 2-3 bát cơm và chẳng muốn dừng.

3. Phần nhân bên trong cật lợn (thận lợn)

Cật lợn mềm hơi giòn, ăn bùi bùi nên được nhiều người yêu thích mua về làm các món như luộc, xào, hầm, nấu lẩu, cháo, bún... Mặc dù cật lợn ngon nhưng phần nhân trắng ở giữa quả cật lợn cần phải loại bỏ trước khi nấu. Phần nhân trắng này có mùi khai, hôi mà khi ăn vào nó còn gây cảm giác buồn nôn, khó thở, chóng mặt.

Cách lọc phần nhân của cật lợn này rất dễ. Bổ đôi quả cật, dùng dao sắc lọc nhẹ nhàng hết phần nhân trắng. Nếu không tự lọc được phần nhân trắng này bạn nên nhờ người bán hàng sơ chế cho vừa sạch lại thẩm mỹ, không làm nát cật. Sau khi lọc xong bạn hãy xát muối vào quả cật, bóp một lúc rồi rửa lại cho sạch. Lúc này bạn đã có thể yên tâm chế biến rồi.

Tham khảo thêm cách làm món cật lợn xào dứa:

Nguyên liệu: - 2 quả cật heo (còn gọi là cật lợn) - ½ quả dứa - 1-2 củ hành tây -- 100g gừng; 2-3 tép tỏi; 2-3 cọng cần tây - 1 bó hẹ (hoặc hành lá) - Muối, hạt tiêu, gia vị.

Cách làm: Sơ chế cật lợn như trên. Cho cật heo đã thái vào âu to cùng gừng thái sợi (chỉ cần rửa gừng sạch, không cần bỏ vỏ), trộn đều. Chờ khoảng 15 phút thì rửa sạch lại bằng nước lạnh, đổ lên rây lưới cho ráo nước. Gạt bỏ bớt gừng. Cho vào tô, ướp cật heo với chút muối, bột gia vị. Thay vì dùng gừng, cũng có thể cho vào âu 1-2 thìa dấm trắng trộn đều rồi rửa sạch bằng nước lạnh. Công đoạn này là để khử hết mùi ngái và hôi.

Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, bổ dọc thành 2-3 miếng, thái ngang thành từng miếng dày cỡ 1 cm. Tỏi đập dập, băm nhỏ. Hành tây bóc vỏ, bổ miếng cau. Cần tây rửa sạch, thái khúc 4-5cm rồi thái sợi. Hẹ rửa sạch, thái nhỏ. Dùng chảo sâu lòng. Cho dầu và tỏi vào phi thơm, cho cật xào trên lửa to. Đảo nhanh tay, cho cật tái là được. Cho ra đĩa.

Cho dứa, hành, cần tây vào chảo, xào trên lửa to. Không cần cho thêm dầu, mà chắt phần nước sốt từ cật đã xào cho vào chảo, xào 5-7 phút. Cho cật vào xào tiếp khoảng 5 phút. Cho hẹ vào, đảo qua. Nêm vừa ăn. Tắt bếp, đậy vung chảo. (Đậy vung sẽ giữ được nhiệt làm cật được chín thêm). Xếp thức ăn ra đĩa, rắc chút tiêu bột. Món này dùng nóng rất ngon. Cật heo xào dứa dùng với cơm hay với bánh mì nướng cũng hợp.

4. Gan lợn

Gan lợn cũng là một trong những bộ phận nội tạng của lợn. Gan lợn vốn bổ dưỡng tuy nhiên đó chỉ là của những con lợn sạch, không nuôi tăng trọng, khỏe mạnh không có bệnh tật. Hơn nữa, hiện nay, hầu hết lợn bây giờ được nuôi tăng trọng, được tiêm nhiều loại vắc-xin và kích thích đẩy tăng trưởng. Chính vì thế, gan của những con lợn được nuôi công nghiệp này trong một thời gian dài sẽ gây ra rất nhiều độc tố trong gan. Khi ăn gan của những con lợn này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Ngoài ra, gan là bộ phận giải độc của lợn. Phần lớn các chất đi qua gan sẽ được gan phân hủy, nhưng có nhiều kim loại nặng mà lợn hít hoặc ăn vào vượt quá tiêu chuẩn, gan không thể phân hủy được. Do đó, nhưng kim loại nặng này sẽ nằm lại ở gan lợn, chậm chí có cả chất tăng trưởng lợn. Vì thế, lúc này ăn gan lợn sẽ gây hại sức khỏe.

Bên cạnh đó, gan lợn chứa nhiều choresterol, nếu bạn ăn 100g gan lợn, cơ thể sẽ dung nạp trên 400mg cholesterol, không tốt cho sức khỏe.

Nếu vẫn muốn ăn gan lợn, bạn có thể sơ chế gan như sau:

- Rửa gan trực tiếp dưới vòi nước, nếu miếng gan nguyên cần cắt, hoặc lấy dao khía để loại bỏ máu tồn dư.

- Ngâm gan trong nước muối khoảng 10 phút đến nửa giờ để gan phân hủy hết chất độc. Hoặc có thể ngâm gan trong sữa tươi không đường để vừa loại bỏ độc tố, khi ăn gan sẽ không còn mùi hôi và ngon hơn.

- Sau khi ngâm gan cần rửa sạch, bóp hết máu đọng trong gan rồi nấu chín kỹ mới nên ăn.

Tham khảo thêm cách làm gan ớt ngon:

Chuẩn bị: 200g gan heo ngon, 20g tinh bột bắp, 40g ớt vàng, 40g ớt đỏ, 5g gừng thái chỉ, 25g hành, nước tương

Cách làm: Gan sơ chế xong đem thái thành từng lát mỏng, mọi người lưu ý không cắt mỏng quá, nên cắt gan dày từ 2 đến 3 mm là thích hợp. Thái gan như vậy khi xào sẽ rất mềm và ngon. Nếu thái quá mỏng, gan sẽ bị cứng.

Cho gan heo đã thái vào tô, đổ một muỗng rượu nấu ăn, một muỗng nước tương, thêm chút đường trắng cho vừa ăn, cuối cùng cho vài lát gừng vào ướp gan một lúc. Sau đó đổ lượng tinh bột bắp vừa đủ vào và bóp đều, ướp gan trước khi xào có tác dụng khử một phần mùi tanh, vị gan sau khi xào sẽ mềm hơn. Ớt vàng rửa sạch cắt hạt lựu, ớt đỏ rửa sạch cắt hạt lựu nhỏ, hành tây cũng cắt hạt lựu.

Cho vào nồi một lượng nước vừa đủ, sau khi lửa sôi thì cho gan vào chao một lúc rồi dùng đũa khuấy nhanh tay, bước chần này rất quan trọng. Mọi người phải chú ý chần nhanh, tốt nhất là dùng chao để gan được kiểm soát hiệu quả, không bị rơi lung tung trong nồi và dễ dàng vớt hết ra một lúc.

Khi chần qua nước sôi, chỉ cần thấy gan có màu hồng là vớt ra ngay, đừng đợi đến khi gan chuyển sang hết màu trắng. Nếu gan đã chuyển sang màu trắng tức là gan đã bị chín quá, sẽ khô cứng khi xào.

Hòa 1 thìa tinh bột với 1 thìa nước thành tinh bột nước. Đổ một lớp dầu vào chảo, cho hành tây, ớt vàng và ớt đỏ vào, phi thơm. Sau đó cho một thìa nước tương, một ít muối ăn và đường trắng, cuối cùng đổ tinh bột nước đã trộn vào. Cho gan heo đã chần vào xào trên lửa lớn, xào cho đến khi gan hết màu đỏ và chín tới là xong. Bày gan xào ra đĩa rồi thưởng thức.

5. Thịt cổ lợn

Thịt cổ lợn có giá rẻ, thường dai nhưng trông hấp dẫn nên người bán thường hay xay nhỏ ra để bán chung với các loại thịt ngon khác. Một số cửa hàng đồ nướng còn sử thích sử dụng thịt cổ làm nguyên liệu nướng. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng, cổ lợn chứa nhiều hạch bạch huyết, mà chính những hạch này chứa nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn, virus... nên dù nấu thịt ở nhiệt độ cao cũng không diệt được những mầm bệnh này.

Phần thịt này còn chứa số lượng tuyến giáp lớn, nơi tiết ra hormone thyroxine. Nếu hấp thu quá nhiều hormone thyroxine thì con người sẽ bị ảnh hưởng tới nội tiết và tới việc chuyển hóa trong cơ thể, tạo ra triệu chứng buồn nôn, nôn mửa.

Do đó, chị em nên tự tay chọn thịt tươi, nguyên miếng và không mua thịt xay sẵn và các món chế biến sẵn từ thịt mà không rõ nguồn gốc của chúng.

Nếu mua phải thịt cổ, bạn nên sơ chế thật kỹ, cẩn thận lọc bỏ cách hạch để tránh gây hại sức khỏe về lâu dài. Thịt cổ có thể nướng, áp chảo, xào.

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP