Pháp luật

46 bị cáo, 140 người liên quan phải bồi thường 6.000 tỉ

Đại diện Ngân hàng VNCB không trả lời nhiều câu hỏi của các luật sư mà chỉ đề nghị được bồi thường hơn 6.000 tỉ đồng.

Ngày 18-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng cho Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục. Đáng chú ý, phần bị cáo Danh trả lời luật sư (LS) về đồng phạm Trầm Bê trong đại án. Cụ thể, LS hỏi ông Danh khi sang vay Sacombank ông có nói rõ rằng ông vay để trả nợ cho NH BIDV hay không.

VNCB đòi bồi thường

Đáp lời, ông Danh nói đã trả lời nhiều lần, đề nghị HĐXX xem lại. “Ông Bê có biết hay không là việc của ông Bê nhưng bị cáo nghĩ là ông Bê không biết” - ông Danh nhấn mạnh.

Sau phần trả lời này, ông Danh lại kêu mệt và được HĐXX đưa ra ngoài chăm sóc y tế. Hơn một tuần qua, từ khi phiên tòa giai đoạn 2 được mở, do sức khỏe yếu nên ông Danh liên tục phải đưa ra ngoài chăm sóc y tế. Ông Trầm Bê cũng phải chăm sóc y tế nhưng không thường xuyên.

Trước đó, ông Bê cho biết việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng là đôi bên có gặp gỡ sau đó đưa chủ trương xem xét cho vay theo quy định, nếu có tài sản đảm bảo đầy đủ thì cứ cho vay. Còn bị cáo Phan Huy Khang, nguyên tổng giám đốc Sacombank, nói việc cho vay và xử lý nợ từ sáu công ty là đúng theo quy định.

Tại tòa, đại diện VNCB xác định NH mình là đơn vị bị hại trong vụ án. Tính đến nay, số tiền thiệt hại do ông Danh và đồng phạm gây ra là 6.126 tỉ đồng. Từ đó, VNCB đề nghị 46 bị cáo và hơn 140 cá nhân liên quan được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự (trừ ba NH: TPBank, Sacombank, BIDV), tùy mức độ phải liên đới bồi thường thiệt hại số tiền trên.

Bị cáo Phạm Công Danh bị áp giải về trại tạm giam. Ảnh: QUỐC VŨ

Có liên quan bà Hứa Thị Phấn?

Trước đó, LS của bị cáo Danh chất vấn đối với đại diện VNCB về việc NH này có phải công khai báo cáo về báo cáo tài chính không? Vị đại diện này không trả lời câu hỏi này của LS.

LS hỏi tiếp: Đã bao giờ NH VNCB công khai tài chính chưa? Vì sao các NH khác luôn công khai tình hình tài chính mà VNCB lại không? LS này cũng đề nghị HĐXX xem xét vì sao VNCB không hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Câu hỏi này cũng không được trả lời.

Cạnh đó, LS bảo vệ quyền và lợi ích cho người liên quan là bà Hứa Thị Phấn (người chuyển nhượng NH Đại Tín cho ông Danh) cũng chất vấn đại diện NH VNCB.

LS hỏi: Tài khoản bà Phấn mở tại NH này có khác gì các tài khoản của khách hàng khác mở không? Đại diện VNCB cho biết là không. Còn việc khách hàng mở tài khoản chỉ dùng để sử dụng chuyển tiền nhưng sau đó lại dùng vào mục đích khác thì phải xem thêm có thỏa thuận khác hay không.

Cạnh đó, LS cũng hỏi để làm rõ dòng tiền trả 300 tỉ đồng cho bà Phấn. Theo LS, tài khoản của ông Danh có số dư 103 tỉ đồng, sau đó từ tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh gửi tiếp vào thêm 300 tỉ đồng nữa, rồi trích ra chuyển cho bà Phấn 300 tỉ đồng…Vậy có thể xác định được số tiền chuyển cho bà Phấn là chuyển vào sau hay đây là tiền chung? Đại diện VNCB khẳng định đây là tiền của ông Danh.

Trước khi kết thúc phần hỏi, LS cho rằng: VNCB có yêu cầu bồi thường rõ ràng, điều này có nghĩa là không yêu cầu bồi thường đối với bà Phấn? Đại diện VNCB cho là điều này sẽ do HĐXX làm rõ…

Tòa tuyên bố tạm nghỉ, dự kiến thứ Hai tuần sau (22-1) bắt đầu phần tranh luận.

Xử lý hai bất động sản lớn của ông Trầm Bê ra sao?

Tại tòa, con của bà Viên Tú Anh (chị vợ ông Trầm Bê) có mặt đề nghị được giải tỏa căn nhà ở đường An Dương Vương mà trước đó bị cáo Bê có nhắc đến. Theo bị cáo Bê, giấy tờ căn nhà trên là chị vợ nên đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên. Cũng theo bị cáo này, trị giá căn nhà chỉ có… mười mấy tỉ thôi.

Tòa hỏi con của bà Viên Tú Anh: Một trong hai căn nhà kê biên là của ông Trầm Bê có đúng không? Người này trả lời căn nhà ở An Dương Vương là của mẹ tôi, mong HĐXX giải tỏa kê biên cho mẹ tôi.

Tòa tiếp: “Đây là căn nhà kê biên, việc xử lý HĐXX sẽ xem xét một cách toàn diện. Anh khẳng định đây là nhà cha mẹ anh nhưng cha anh đã mất nên phải xác định thừa kế, nên tòa mời triệu tập hai anh. Anh khai còn nhiều người trong gia đình sinh sống trong nhà là các cô, chú của anh. Vì vậy, HĐXX yêu cầu những người ấy phải làm giấy ủy quyền cho hai anh để hai anh có toàn quyền xử lý tài sản này. Nhưng các ủy quyền phải đúng quy định. Hai anh có ý kiến gì nữa không?”. Nghe xong người này vẫn khẳng định căn nhà là tài sản của cha mẹ, không liên quan đến ông Trầm Bê và ông này cho biết đầu tuần tới sẽ nộp giấy ủy quyền.

Liên quan đến căn nhà còn lại mà ông Trầm Bê đề nghị giải tỏa kê biên, HĐXX cho biết sẽ mời những người liên quan có mặt để hỏi thêm...

Tác giả: HOÀNG YẾN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP