Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra diễn ra chiều 12/1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã nêu những kết quả ngành Thanh tra đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Cụ thể, công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngành Thanh tra (Ảnh: Báo Thanh tra) |
Công tác quản lý Nhà nước về phòng chống tham nhũng được tăng cường. Thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng được hoàn thiện hơn với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đối mới phương thức lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, rà soát, đánh giá, sửa đổi phù hợp hơn đã ngày càng phát huy hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Chú trọng công tác tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, việc công khai, minh bạch ngày càng cụ thể, được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.956 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 55 đơn vị có vi phạm.
Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó, số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 76 người. Xử lý 37 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, xử lý hình sự 6 người tại các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Tiền Giang và Trà Vinh; xử lý kỷ luật hành chính 33 người, trong đó có 4 người tại Quảng Bình và Thái Bình. Chuyển đổi vị trí công tác 8.733 cán bộ, công chức, viên chức.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 34 vụ, với 37 người tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 18 vụ, với 28 người tại các tỉnh, thành: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Trị, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Vĩnh Long; qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 13 vụ, 14 người có hành vi liên quan đến tham nhũng tại Cần Thơ, Hà Giang, Hà Nam, Khánh Hòa, Kon Tum, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả…/.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo VOV