![]() |
|
Hành trình bắt đầu từ những khắc khoải với đồng đội
Tôi đến gặp người cựu binh Nguyễn Tất Triển (SN 1949, tại khối 7, phường Trung Đô, tỉnh Nghệ An) vào hạ tuần tháng 7, trong những ngày linh thiêng toàn thể dân tộc ngậm ngùi khắc nhớ công ơn của biết bao thế hệ anh hùng đã ngã xuống, để đất nước đứng lên như ngày hôm nay.
![]() |
Trải qua cuộc đời làm người lính nên dù đã 76 tuổi ông Triển vẫn vô cùng khoẻ mạnh, rắn rỏi. |
Dù đã 76 tuổi, ông Triển vẫn toát lên vẻ khỏe mạnh, rắn rỏi của một người lính năm xưa. Ông đón tôi với nụ cười hiền hậu, mến khách khi biết tôi đến để lắng nghe câu chuyện về những năm tháng chiến đấu và hành trình tìm kiếm thông tin liệt sĩ của mình. Bởi với ông, thêm một người biết đến câu chuyện này là thêm một hy vọng, một cơ hội để việc tìm kiếm thông tin các anh hùng đã ngã xuống trở nên thuận lợi hơn.
Nhập ngũ năm 1967, ông được biên chế vào Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Ông được biết đến là một chiến sĩ anh dũng, từng tham gia hàng trăm trận đánh cam go tại các mặt trận khốc liệt như Mậu Thân 1968, A Bia 1969, Đường 9 Nam Lào 1971 và đặc biệt là chiến trường Trị - Thiên năm 1972.
Với những công lao to lớn đó, ông đã được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công và 6 lần phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới và Dũng sĩ quyết thắng.
Năm 1973, trong một trận chiến đấu tại Phong Điền, Tp.Huế, một mảnh đạn pháo đã khiến ông bị thương nặng. Vết thương ấy không chỉ khiến người chiến sĩ trẻ ấy phải rời xa chiến trường mà còn hằn sâu trong tâm trí nỗi day dứt khôn nguôi về những người đồng đội đã nằm lại.
![]() |
Dù nghỉ hưu nhưng ông vẫn có nhiều cống hiến cho cộng đồng, xã hội. |
Năm 1989, ông Triển nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, nhưng ngọn lửa nghĩa tình với đồng đội vẫn còn cháy âm ỉ, chưa bao giờ tắt. Về với đời thường, ông Triển không chọn cuộc sống an nhàn mà tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Ông từng giữ nhiều trọng trách quan trọng ở địa phương như: Bí thư, khối trưởng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Bí thư Đảng ủy phường Trung Đô, Tp.Vinh.
Đặc biệt, ông còn là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh hội, Chủ tịch Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị 1972 thành phố Vinh. Chính trong những lần đi thăm viếng, tặng quà các gia đình liệt sĩ, ông Triển lại có dịp tiếp xúc với người thân đồng đội nhiều hơn. Những ánh mắt khắc khoải, những câu hỏi nghẹn ngào về nơi an nghỉ của thân nhân liệt sĩ cứ thế lớn dần trong tâm trí ông.
"Tại sao nhiều ngôi mộ vẫn vô danh? Liệu đồng đội mình đã thực sự "về nhà" hết chưa?" – những câu hỏi ấy đã thôi thúc ông dấn thân vào một hành trình tìm kiếm và đưa thông tin phần mộ đồng đội về với gia đình. "Tôi may mắn được sống sót trở về, được sống hạnh phúc, chính những đồng đội đã ngã xuống để dành phần sống cho tôi. Vì vậy, "nghiệp" của tôi là phải đưa "các anh" trở về nhà", ông bộc bạch.
15 năm, 26 chuyến đi để 2.000 liệt sĩ được "về nhà"
Từ năm 2010, người cựu binh Nguyễn Tất Triển bắt đầu hành trình "trả nghiệp" của mình. Ông dồn từng đồng trợ cấp thương tật, tiền lương hưu để thực hiện những chuyến đi ngược xuôi khắp các nghĩa trang, những vị trí nơi đơn vị ông từng chiến đấu.
Nhiều địa danh lịch sử như: Gio Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ, Hải Lăng, Quảng Trị đến Cồn Tiên, Khe Sanh, Tà Cơn, các cao điểm 300 – 402 đến Nghĩa trang Hướng Điền, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, A Lưới... đều có dấu chân của người cựu binh này.
![]() |
Ông Triển cùng các đồng đội thường xuyên vào chiến trường xưa thăm viếng mộ các liệt sĩ đã ngã xuống. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ thêm về quy trình tìm kiếm thông tin liệt sĩ, ông Triển cho biết lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, sau nhiều lần đi tìm kiếm thì đã đúc rút một số kinh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là thông tin, hi sinh ở đâu, ngày tháng năm nào, chôn cất ở đâu…
"Cuối cùng, khi đã có manh mối, tôi cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách, các đội đi tìm hài cốt. Một mình tôi thì làm không xuể. Phải có sự chung tay của nhiều người, nhiều bên. Tôi chỉ là người góp một phần thông tin", ông Triển nói.
Không dừng lại ở đó, khi đến các nghĩa trang, ông Triển còn tỉ mỉ xin từng danh sách liệt sĩ, cẩn thận đối chiếu từng tên rồi lần từng vị trí mộ theo hàng ngang lẫn hàng dọc. Về nhà, ông phân chia danh sách theo quê quán (huyện, xã), đơn vị, ngày hy sinh, số mộ một cách khoa học nhất.
![]() |
Ông Triển kết nối thông tin với đồng đội và cơ quan chuyên trách để có những manh mối về thông tin các liệt sĩ đã ngã xuống. |
Cho đến nay, hành trình của vị cựu chiến binh đã có tới 26 chuyến đi, cung cấp thông tin cho hơn 2.000 liệt sĩ (trong đó có 1.676 danh tính liệt sĩ thuộc tỉnh Nghệ An và đồng đội Sư đoàn 324 trên khắp cả nước). Nhờ những thông tin quý giá của ông, nhiều gia đình đã tìm được mộ người thân và đưa họ trở về quê hương.
Trong các trường hợp đó, điển hình là liệt sĩ Biện Văn Thanh (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324), người bạn từ thuở nhỏ, cùng nhập ngũ với ông Triển, được đưa về nghĩa trang Đô Lương và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây cũng chính là đồng đội đầu tiên mà ông Triển tìm thấy. Ông cũng là người góp phần xác định danh tính 7 liệt sĩ tại Cam Nghĩa, Cam Lộ, Quảng Trị, trong số 21 ngôi mộ không tên.
![]() |
Ông phân chia danh sách liệt sĩ tìm được theo quê quán (huyện, xã), đơn vị, ngày hy sinh và số mộ chí rồi in ra để làm tài liệu. |
Nói về những khó khăn gặp phải trong suốt hành trình đã qua, ông Triển ngậm ngùi: "Không phải chuyến đi nào cũng thành công như ý muốn. Có nhiều chuyến đi vào rừng sâu, phải đem lương khô ở với các đội kiểm lâm, dân bản phải treo đèo, lội suối mà vẫn chưa tìm được đồng đội. Nhưng những điều đó tôi chịu được, chỉ có khó khăn nhất là khi các thông tin, hồ sơ, sơ đồ chôn cất của liệt sĩ không còn nguyên vẹn, hoặc rất nhiều ngôi mộ đã bị di chuyển nhiều lần, thậm chí được nhân dân chôn cất tạm thời mà không thông báo".
Theo ông Triển, việc tìm kiếm thân nhân liệt sĩ cũng vô cùng gian nan, bởi sau nhiều năm, nhiều gia đình đã chuyển chỗ ở, hoặc ký ức về liệt sĩ đã phai nhạt, chỉ biết mơ hồ là hy sinh ở đâu đó.
"Vì thế lại càng thôi thúc tôi phải tìm cho ra mộ của đồng đội mình, không để các anh nằm lạnh lẽo ở nơi nào đó, không ai biết mặt, đặt tên, không được vào nằm ở các khu nghĩa trang liệt sĩ để khắc ghi công ơn xương máu mà các anh đã hy sinh", ông Triển bày tỏ.
Mặc dù khó khăn có, gian khổ có, nhưng ông Triển chưa bao giờ từ bỏ. Với ông, niềm vui vỡ òa là khi tìm thấy một phần mộ của các chiến sĩ đã hy sinh, là khi nhìn thấy giọt nước mắt hạnh phúc vì tìm thấy "các anh" của thân nhân liệt sĩ. Đó không chỉ là niềm an ủi mà còn là động lực to lớn giúp ông tiếp tục hành trình. Ông luôn tin rằng: "Khi tin điều tốt đẹp thì điều tốt đẹp sẽ đến."
![]() |
Ông sắp xếp lại tài liệu để chuẩn bị cho hành trình tìm kiếm đồng đội sắp tới. |
Dù tuổi đã cao, nhưng người cựu binh ấy vẫn tiếp tục rong ruổi hành trình "trả nghiệp" của mình. Sắp tới, ông Triển sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm đồng đội ở khu vực Thừa Thiên Huế, đặc biệt là những liệt sĩ hy sinh năm 1968 và trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971.
"Tôi phải làm sao để tìm kiếm được các anh sớm nhất, vì tôi sợ sẽ không kịp. Tôi sợ ngày nào đó tôi không còn sức và các thông tin cũng dần phai nhạt, lúc đó sẽ lại càng khó thêm, không kịp đưa các anh về", ông bộc bạch.
Và rồi, giọt nước mắt như chực chờ sẵn đằng sau đôi mắt người cựu chiến binh ấy cứ thế lăn dài trên má. Ông vội đưa tay lau nhanh, như muốn giấu đi khoảnh khắc yếu lòng.
Người chiến sĩ từng kinh qua mưa bom lửa đạn, không một lần run sợ trước cái chết, lại yếu mềm trước nỗi nhớ thương đồng đội, những người đã nằm xuống để ông được trở về. Đó không phải là giọt nước mắt của sự sợ hãi, mà là nỗi đau đáu của người còn sống mang nặng ân tình với những linh hồn đã hóa vào đất mẹ.
Người chiến sĩ ấy đã trải qua một thời hoa lửa, và giờ đây, ông vẫn tiếp tục cuộc chiến của riêng mình – cuộc chiến chống lại sự lãng quên. Cựu chiến binh Nguyễn Tất Triển không chỉ là một hội viên tiêu biểu của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Nghệ An, mà còn là một "Bộ đội Cụ Hồ" đúng nghĩa, một biểu tượng của lòng tri ân và nghĩa tình đồng đội sâu sắc.
Tác giả: Ngọc Ánh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn