Trong nước

14 trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip để không bị phạt, người dân cần biết

Nếu thuộc 1 trong 14 trường hợp này mà không đổi sang thẻ CCCD gắn chip, bạn có thể bị phạt đến 500.000 đồng.

Trường hợp nào bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip?

Trước khi thẻ Căn cước công dân gắn chip ra đời, nước ta đã từng phát hành và sử dụng 02 loại giấy tờ nhân thân là Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân mã vạch.

Điều 21, 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định 8 trường hợp người sử dụng CCCD (cả có chip và không có chip) phải đổi, hoặc xin cấp lại thẻ CCCD gắn chip mới. Cụ thể:

- Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được.

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên.

- Thay đổi đặc điểm nhân dạng.

- Xác định lại giới tính, quê quán.

- Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD.

- Bị mất thẻ Căn cước công dân.

- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Đối với người đang sử dụng CMND, Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định có 6 trường hợp phải đổi từ CMND sang CCCD gắn chip.

- CMND hết thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp.

- CMND hư hỏng không sử dụng được.

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh.

- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

- Bị mất CMND.

Hiện nay, Căn cước công dân gắn chip là loại giấy tờ duy nhất được cấp thay thế khi người dân xin đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân mã vạch hết hạn hoặc không còn sử dụng được do bị hỏng, rách, sai thông tin...

Vì vậy, người sử dụng Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân thuộc 01 trong 14 trường hợp trên đều sẽ phải đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip.

Đối tượng thuộc 14 trường hợp ở trên, nếu không đổi sang CCCD gắn chip sẽ bị phạt (Ảnh minh họa)

Không đổi Căn cước công dân gắn chíp đúng quy định bị phạt bao nhiêu?

Đối với vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Như vậy, nếu thuộc 14 trường hợp đã nêu trên mà không đi đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip, người dân có thể bị phạt đến 500.000 đồng.

Làm Căn cước công dân đã lâu nhưng chưa nhận được, kiểm tra thế nào?

Để kiểm tra xem Căn cước công dân của mình đã làm xong chưa, người dân có thể trực tiếp gọi điện đến tổng đài hướng dẫn về Căn cước công dân và quản lý dân cư của Bộ Công an.

Hệ thống tổng đài hỗ trợ căn cước công dân và quản lý dân cư tiếp nhận, giải đáp phản ánh của người dân tại Trung ương có số điện thoại là 1900.0368.

Hệ thống tổng đài hoạt động từ 7h30 - 17h30 hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Khi gọi đến tổng đài, cần lưu ý:

- Để nghe hướng dẫn quy định về trình tự cấp Căn cước công dân gắn chip: Nhấn phím 1

- Để nghe hướng dẫn quy định về lệ phí cấp Căn cước công dân gắn chip: Nhấn phím 2

- Để nghe hướng dẫn quy định về thời hạn cấp Căn cước công dân gắn chip: Nhấn phím 3

- Để nghe thông tin về tình trạng cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip: Nhấn phím 4

- Để tìm hiểu thông tin khác: Nhấn phím 5.

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP