|
Khảo sát MOBI được thực hiện độc lập bởi hai tổ chức thành viên của Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), công bố ngày 18/10.
MOBI 2021 đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có 38 Bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Trong kỳ đánh giá năm 2021, MOBI tiếp tục khảo sát mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các đơn vị theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017 và Thông tư 90/2018.
Kết quả khảo sát này cho thấy, điểm số trung bình MOBI 2021 đạt 30,9/100 điểm, tăng 9,26 điểm so với MOBI 2020.
Trong xếp hạng MOBI 2021, Bộ Tài chính vẫn là đơn vị có thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm quy đổi, và là đơn vị duy nhất xếp hạng công khai ở mức đầy đủ. Xếp thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 72,09 điểm và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở vị trí thứ ba với 59,09 điểm.
|
Có 14 đơn vị không có điểm về tính đầy đủ do không công khai bất kì một tài liệu ngân sách nào hoặc công khai sau ngày 31/3/2022 bao gồm: Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban sông Mê Kông.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành - đại diện nhóm Nghiên cứu nhận định, việc sau gần một thập niên thực hiện Luật Ngân sách mới, các bộ, cơ quan Trung ương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai ngân sách theo tinh thần của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và hướng dẫn của các Thông tư 61/2017 và 90/2018 của Bộ Tài chính, là một thực tế đáng lo ngại trong quản trị Nhà nước.
“Như kết quả MOBI 2021 đã chỉ ra, vào thời điểm khảo sát gần nhất (31/3/2022), có tới 14/44 cơ quan trung ương không công khai bất cứ một tài liệu nào theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị có công khai thì đại đa số mức độ còn sơ sài, không đầy đủ. Mức điểm trung bình của MOBI 2021 chỉ đạt 30,9 tiếp tục gây thất vọng. Thử so sánh với việc công khai ngân sách của địa phương, thì các cơ quan trung ương đã đi sau rất nhiều”, ông Thành nêu.
Lễ công bố chỉ số MOBI 2021 sáng 18/10. |
PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, chuyên gia chính của Nhóm Nghiên cứu cũng nhìn nhận, việc công khai ngân sách Nhà nước của các bộ ngành chưa thực sự được cải thiện nhất là khi so với việc công khai ngân sách của các địa phương, chưa thể hiện vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương dưới góc độ về minh bạch ngân sách.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thương - đại diện Liên minh BTAP, so sánh điểm trung bình của MOBI 2021 là 30,9/100 điểm trong khi điểm trung bình của chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021 là 69,53/100 điểm. Điều này, từ góc nhìn của nhóm nghiên cứu, cho thấy các Bộ, cơ quan Trung ương chưa cải thiện mức độ công khai ngân sách như các tỉnh, thành phố.
Do đó các chuyên gia khuyến nghị Quốc hội cân nhắc bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương vào chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Uỷ ban tài chính ngân sách của Quốc hội, bao gồm cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề.
Cùng với đó, Quốc hội cần xem xét hoạt động công khai Ngân sách Nhà nước của các Bộ, cơ quan Trung ương như một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của Bộ, cơ quan Trung ương. Có thể xem xét mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương như một trong những tiêu chí để phân bổ ngân sách hàng năm.
Ngoài ra, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 chưa quy định chế tài xử lý khi các đơn vị sử dụng ngân sách không thực hiện công khai ngân sách như quy định tại Điều 15 của Luật. Do vậy, Quốc hội cần xem xét bổ sung chế tài xử lý các vi phạm về thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
Nguồn tin: nguoiduatin.vn