Kinh tế

Vingroup muốn chia gần hết lợi nhuận tích lũy cho cổ đông

Đến cuối năm 2020, lợi nhuận sau thuế lũy kế hợp nhất của Vingroup là 4.360 tỷ đồng, HĐQT đã thông qua kế hoạch chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 12,5%, dùng gần hết số lợi nhuận này.

Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2020. Trong đó, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 12,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu nhận thêm 125 cổ phiếu mới).

Với hơn 3,38 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 33.824 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu, Vingroup dự kiến phát hành tổng cộng 422,8 triệu cổ phiếu mới cho đợt chi trả cổ tức lần này. Sau phát hành, vốn điều lệ của tập đoàn dự kiến tăng lên trên mức 38.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2020 của Vingroup, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tập đoàn này đạt 6.189 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lũy kế trên báo cáo hợp nhất đã kiểm toán cùng năm là 4.360 tỷ đồng.

Như vậy, Vingroup dự kiến phải dùng gần 97% tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế hợp nhất đến cuối năm 2020 để thực hiện đợt chia cổ tức lần này.

Theo kế hoạch, lượng cổ phiếu phát hành thêm từ việc chia cổ tức sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng và thời gian thực hiện dự kiến diễn ra trong quý III và IV, sau khi được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua.

Trước đó, Vingroup đã không chia cổ tức với phần lợi nhuận năm 2018-2019 mà dùng phần lớn số này để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2017, tập đoàn này cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 21%.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Vingroup, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng) vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 33,12% vốn doanh nghiệp. Cá nhân vị tỷ phú này cũng nắm giữ trực tiếp 25,9% vốn và cổ đông ngoại SK Investment Vina I nắm 6,08%.

Ngoài ra, phần lớn người thân và doanh nghiệp có liên quan ông Vượng cũng đang nắm giữ lượng lớn vốn tại Vingroup.

Liên quan tới hoạt động huy động vốn của tập đoàn này, Vingroup mới đây cũng đã hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành và niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Trong đó, tập đoàn dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế với kỳ hạn 5 năm (đáo hạn năm 2016) để huy động vốn bổ sung hoạt động kinh doanh.

Diễn biến giá cổ phiếu VIC 3 tháng gần đây. Nguồn: Tradingview.

Lãi suất danh nghĩa của trái phiếu là 3%/năm và trái chủ có thể thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu Công ty CP Vinhomes (VHM) đang niêm yết trên HoSE.

Giá thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu VHM tại ngày phát hành là 123.000 đồng/cổ phiếu (bằng 120% giá đóng cửa của VHM tại ngày phát hành 13/4). Tỷ lệ thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu tại ngày phát hành là 37.513 cổ phiếu VHM tương ứng với 1 trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD.

Lô trái phiếu kể trên sẽ được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu VIC đang nằm trong nhóm có mức tăng ấn tượng nhất từ đầu năm đến nay. Trong khoảng 3 tháng gần nhất, VIC đã tăng một mạch từ vùng dưới 100.000 đồng/cổ phiếu lên trên 143.000 đồng hiện tại, tương đương mức tăng 40% sau 3 tháng.

Việc cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm cũng giúp vốn hóa của Vingroup đạt trên 484.000 tỷ đồng (tương đương gần 21 tỷ USD), vượt xa doanh nghiệp lớn thứ 2 thị trường là Vietcombank với 382.000 tỷ đồng (16,5 tỷ USD).

Hiện, riêng vốn hóa của Vingroup đã chiếm 10,11% tổng vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP