Xã hội

Thảo luận tại hội trường: Giải trình các vấn đề nóng đại biểu và cử tri quan tâm

Tiếp tục các nội dung, chương trình của kỳ họp thứ 3 – HĐND tỉnh khóa XVII, sáng nay (15/12), các đại biểu tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH năm 2016, định hướng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp.

Khai mạc kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII

Tham dự phiên thảo luận tại Hội trường có đoàn đại biểu HĐND tỉnh Xiêng Khoảng, Po-ly-khăn-xay (CHDCND Lào). Về phía tỉnh có các đ/c Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đ/c trong BTV Tỉnh ủy, thường trực HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường
Các đ/c: Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Viết Đường – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

82 đại biểu với 91 ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đầu phiên thảo luận tại Hội trường, tổ thư ký kỳ họp đã báo cáo tổng hợp các ý kiến góp ý trong phiên thảo luận tại tổ chiều 14/12. Với không khí sôi nổi, tập trung, dân chủ, thẳng thắn và tinh thần trách nhiệm cao, tại 8 tổ thảo luận đã có 82 đại biểu phát biểu với 91 lượt ý kiến.

Ông Trần Kim Lộc - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến tại phiên thảo luận tổ

Đa số ý kiến cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục về 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch; chỉ tiêu giảm nghèo; ô nhiễm môi trường; hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; tình trạng điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế; những tiềm ẩn tranh chấp đất đai trong nhân dân ở miền núi, chủ yếu là đất rừng do lịch sử để lại; báo cáo rõ nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ nông thôn mới, nêu và phân tích nguyên nhân về nợ thuế; có hướng hỗ trợ những ngành bị ảnh hưởng nặng nề về sự cố môi trường Formosa;...

Các đại biểu cũng đề cập đến những bất cập trong mô hình trường học mới VNEN, tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là đuối nước vẫn còn xảy ra; sai phạm trong việc thực hiện chế độ cho các đối tượng chính sách; công tác quản lý đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm còn bộc lộ một số yếu kém; cải cách hành chính chuyển biến chậm...

Sau phần báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận tổ, lãnh đạo các Sở đã giải trình các vấn đề một cách cụ thể.

Giám đốc Sở KH&ĐT: Sự cố Formusa "dẫn đầu" nguyên nhân 2 chỉ tiêu chưa đạt.

Về nguyên nhân hai chỉ tiêu quan trọng chưa đạt, đại biểu Nguyễn Văn Độ (huyện Anh Sơn) – Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: Có 5 nguyên nhân chủ yếu, đó là ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển miền Trung, thiên tai liên tục, cháy rừng nhiều (48 vụ, gây thiệt hại 840ha rừng); nhiều sản phẩm công nghiệp chưa đạt; giải ngân các công trình chậm; công trình trọng điểm chậm tiến độ; thu dịch vụ chưa đạt.

Đại biểu Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư

Về chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng quá cao, chưa sát thực tiễn, đại biểu Nguyễn Văn Độ giải thích, việc xây dựng tiêu chí định mức, bố trí nguồn đầu tư phải thực hiện theo giai đoạn 5 năm và dựa vào tiềm lực địa phương. Năm 2017, tỉnh Nghệ An có thêm vốn từ nhiều chương trình Quốc gia nên tỉnh có thêm nguồn lực để thực hiện tăng tốc độ tăng trưởng.

Là 1 trong 3 định hướng cơ cấu lại của TW (đầu tư công, Nông nghiệp, và Ngân hàng thương mại), nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư công trên địa bàn còn dàn trải, ông Nguyễn Văn Độ cho biết nguyên nhân: Do bùng nổ về chính sách đầu tư; bố trí vốn dàn trải, gây thất thoát trong đầu tư; quy trình từ thiện tùy tiện; công trình dở dang, kéo dài thời gian thi công; quy trình đầu tư tại các địa phương thiếu tính cụ thể.

Giám đốc Sở Tài Chính: Phần vượt thu chủ yếu nằm ở cấp huyện và xã

Đại biểu Nguyễn Xuân Hải (Huyện Diễn Châu) – Giám đốc Sở tài chính cho biết: Khả năng thu năm 2016 đạt và vượt. Tuy nhiên, phần vượt chủ yếu nằm ở cấp huyện và xã. Còn cấp tỉnh thì trong 2 năm 2015, 2016 lại bị hụt thu ngân sách, tập trung ở doanh nghiệp, lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng hụt do với dự kiến đề ra. Riêng nguồn thu sử dụng đất đạt tương đối cao với gần 1.800/1.500 tỷ dự toán đề ra.

Đại biểu Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính

Trong năm 2016 tỉnh cũng quyết liệt từ nguồn thu ngân sách địa bàn để bố trí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cho xây dựng nông thôn mới, tập trung ưu tiên bố trí các khoản vay. Đến nay các nhiệm vụ chi cơ bản đáp ứng được theo sự chỉ đạo của tỉnh trong một số lĩnh vực cấp bách của tỉnh.

Liên quan đến việc xây dựng ngân sách và khung ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020, đảm bảo cân đối giữa các vùng miền, có ý kiến đề nghị tăng phí bảo vệ môi trường cho các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Về vấn đề này, Sở tài chính đã phối hợp các các ngành liên quan điều tiết, cân đối cho các huyện, xã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khả năng nâng mức phí là khó khăn bởi sẽ gây mất cân đối nguồn chi. ĐB Nguyễn Xuân Hải lấy ví dụ về mức ưu tiên đã thực hiện trong thời gian qua.

Phiên thảo luận tại Hội trường

Về nội dung đề nghị tỉnh hỗ trợ từ nguồn thu thuế phí các nhà máy thủy điện, điều tiết lại cho các huyện xã có nhà máy thủy điện, đại diện Sở tài chính giải trình: Theo nguyên tắc, các nguồn thu phải đóng vào ngân sách tỉnh. Liên quan đến thủy điện, số liệu đưa ra ví dụ năm 2016 đầu năm hạn hán ảnh hưởng đến sản lượng điện, nguồn thu bị hiếu thụt, đạt thấp như: Thủy điện bản Vẽ chỉ đtạ 142/203 tỷ đồng; Thủy điện Hủa Na đạt 69/92 tỷ đồng, Thủy điện Khe Bố chỉ đạt 54/72 tỷ đồng nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu thuế phí trong năm.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Hơn 100 chính sách dân tộc trên địa bàn phát huy hiệu quả.

Triển khai NĐ 05, đại biểu Lương Thanh Hải (huyện Tương Dương) - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Chính phủ và các Bộ, ngành, UBND các tỉnh đã ban hành 154 các loại chính sách dân tộc đang thực hiện trên cả nước, trên địa bàn Nghệ An có hơn 100 loại chính sách có hiệu quả... các chính sách Dân tộc đang phát huy có hiệu quả, đúng đối tượng, đúng qui định.

Đại biểu Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Thực hiện chương trình 135, về xây dựng hạ tầng cơ sở, hầu hết các xã đã được phân cấp làm chủ đầu tư; hiện nay, đang tiến hành tập huấn nâng cao năng lực cán bộ; về chất lượng của Chính phủ giao cho xã làm chủ đầu tư và cũng thực hiện hiệu quả tốt hơn nhưng hồ sơ thì chưa đảm bảo đúng yêu cầu, do các xã nắm chưa chắc về qui trình thực hiện hồ sơ. Thanh tra của Ban Dân tộc đã kiểm tra và yêu cầu chỉnh sửa.

Một số chính sách dân tộc khác có thể suất đầu tư không cao, nhưng có ý nghĩa lớn như: QĐ 633/QĐ-TTg ngày 19/4/2o16 cấp báo cho UBND các xã, trường THCS nội trú, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Đồn BP, Hội Nông dân xã, MTTQ xã, người có uy tín... với 19 loại sách báo, nhưng qua kiểm tra thì việc sử dung và phát huy hiệu quả chưa tốt. QĐ 18/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 về chính sách chế độ đối với người có uy tín, gồm có cấp báo (5 loại, tỉnh 03, TW 02); tổ chức tập huấn cung cấp thông tin; tổ chức đưa đi các tỉnh bạn tham quan học tập; thăm hỏi lúc ốm đau; chúc tết... Đề nghị các huyện quan tâm cử người có uy tín đúng đối tượng theo quy định.

Đại biểu dự phiên thảo luận tại Hội trường

Hiện nay TTCP đã quy định một số chính sách mới hoặc tích hợp, Ban Dân tộc sẽ triển khai, đề nghị các huyện thực hiện cho đúng theo Quyết định của TTCP, Tránh trường hợp vì thành tích hoặc vì muốn đạt tiêu chí nào đó... mà điều chỉnh số liệu, nên các số liệu thiếu ổn định hoặc không chính xác, ví dụ: trong thực hiện QĐ 50/QĐ-TTg về tiêu chí xếp loại thôn bản ĐBKK, phân loại xã vùng DTTS và miền núi thành 3 KV 1 - 2 – 3 liên quan đến số liệu hộ nghèo và cận nghèo...; hoặc trong QLNN một số cơ sở chưa quan tâm đầy đủ đến việc thực hiện các chính sách dân tộc thiểu số đã ban hành.

Giám đốc Sở GD&ĐT: Giải pháp điều chuyển giáo viên dôi dư là hợp lí trong tình thế hiện nay.

Về lĩnh vưc giáo dục, ý kiến đại biểu cho rằng mức thu dạy thêm 30.000đông/buổi đối với vùng nông thôn là quá cao, bà Nguyễn Thị Kim Chi (Nam Đàn) - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Việc thu này được thực hiện QĐ 01 của UBND tỉnh, tuy vậy, quá trình triển khai ở các trường phải có sự thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT

Nhiều ý kiến đề nghị bố trí kinh phí đối với cô nuôi trong cấp mầm non, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: GVMN hiện đang chịu nhiều áp lực, nhất là thời gian, nhưng việc hỗ trợ là chưa có. Do vậy, Sở tiếp thu ý kiến các đại biểu và sẽ nghiên cứu, tham mưu với tỉnh về việc này.

Giải quyết vấn đề GV dôi dư bằng cách điều chuyển giáo viên cấp THCS và Tiểu học xuống cấp mầm non khiến nhiều đại biểu băn khoăn, bởi mỗi cấp học có một đặc thù khác nhau và GV cấp học nào sẽ được đào tạo theo đặc thù của cấp học đó. Giám đốc Sở GD&ĐT thừa nhận điều này, nhưng khẳng định: Đây là giải pháp hợp lí nhất trong tình thế hiện nay. Tỉnh đã xin 2.500 chỉ tiêu biên chế để giải quyết giáo viên dôi dư. Nêu không thực hiện giải pháp này này thì chỉ còn cách cắt hợp đồng đối với GV, điều đó sẽ gây thiệt thòi lớn cho GV đã hợp đồng nhiều năm và gây tâm lí bất an cho NLĐ.

Về bạo lực học đường, bà Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định, đây là một thực trạng, ngành GD&ĐT cũng nhận thấy, cần thiết tăng cường giáo dục đạo đức trong nhà trường. Điều dễ nhận thấy, những học sinh này thường là học sinh cá biệt, sống trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ li dị, hoặc đi làm ăn xa. Trong nội dung này, điều hành phiên thảo luận, bà Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù số vụ chưa nhiều nhưng bạo lực học đường đã có đối tượng là nữ, và đó một thực trạng đáng báo động, do vậy, Thường trực HĐND tỉnh mong muốn ngành văn ha xem xét trách nhiệm của ngành trong vấn đề giáo dục đạo đức, văn hóa con người nói chung và học sinh nói riêng.

Về tờ trình điều chỉnh mức thu học phí, đại biểu đề nghị có chính sách hỗ trợ cho HS công giáo, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bà Chi cho biết: Tờ trình mức tăng học phí có điều chỉnh tăng nhưng mở rộng đối tượng vùng miền để thực hiện giảm học phí. Theo đó, vùng miền núi khó khăn, các học sinh sẽ được giảm học phí với từng mức cụ thể.

Quy hoạch phát triển GD Nghệ An đến 2020, có đầu tư về con người và CSVC, bà Nguyễn Thị Kim Chi nêu rõ: Quy hoạch đã tính đến quy hoạch theo từng giai đoạn với mục tiêu cụ thể hướng đến nền giáo dục phát triển.

Giám đốc Sở TN&MT: Việc cấp GCN quyền sử dụng đất dựa vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân

Về lĩnh vực tài nguyên môi trường, việc lập các hồ sơ địa chính mới tại các xã nhằm giải quyết dứt điểm các bức xúc trong nhân dân, đại biểu Võ Duy Việt (TX Thái Hòa) – GĐ Sở TN&MT nêu khó khăn: Với số lượng xã lớn, kinh phí còn nhiều khó khăn, trước mắt, ngành chú trọng đo đạc bản đồ địa chính một cách chính quy, và mong muốn các xã bảo vệ, khoanh vùng đất, đảm bảo công tác đo đạc của ngành TN&MT.

Đại biểu Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: dựa trên nhu cầu của tổ chức,cá nhân, nếu tổ chức, cá nhân không có nhu cầu thì ngành sẽ cấp. Hiện tại, không có hồ sơ lưu xin cấp giấy chứng nhận QSD đất tại Sở TN&MT.

Đối với ý kiến yêu cầu quan trắc môi trường Nhà máy chế biến gỗ MDF, Giám đốc Sở TN&MT giải trình: Về nguyên tắc, các nhà máy này phải có hệ thống quan trắc. Ngành có trách nhiệm kiểm tra, quản lí việc quan trắc tại các Nhà máy.

Về ý kiến công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy xi măng Sông Lam, Giám đốc Sở TN&MT ghi nhận và cho biết việc kiểm tra, đánh giá thuộc Bộ TN&MT, Sở sẽ phối hợp và có hướng kiểm tra, đánh giá theo kiến nghị của cử tri.

Về việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng (cát sỏi) gặp nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục, đại biểu Võ Duy Việt giải trình: Thời gian cấp phép kéo dài gần 1 năm bởi phải thực hiện qua 3 bước: Lựa chọn, thăm dò (khâu này mất khoảng 10 tháng) và cấp phép khai thác.

Giám đốc Sở NN&PTNT: Liên kết “4 nhà” trong phát triển Nông nghiệp.

Đại biểu Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT

Đại biểu Hoàng Nghĩa Hiếu (Hưng Nguyên) - Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến đề nghị của các đại biểu về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ chế biến đến tiêu thụ, có chính sách khuyến khích nhà đầu tư; Cơ chế hỗ trợ đường giao thông cho xã phấn đấu về đích nông thôn mới. Cụ thể về Nông nghiệp được giao 4 chỉ tiêu đều đạt và vượt. Nghệ An đã xây dựng tốt liên kết 4 nhà: nhà nước, nông, doanh nghiệp, khoa học, trong đó xác định rõ vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Kết quả Nông nghiệp dựa vào yếu tố thời tiết cao nên tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ giống, phân bón khi mất mùa, thời tiết bất lợi.

Về nợ đọng NTM, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: 751 tỷ là con số được các địa phương rà soát, báo cáo, kiểm định. Trung bình mỗi xã nợ 1,7 tỷ. So với 2 tỉnh lân cận, số nợ đọng Nghệ An thấp nhất và có khả năng trả nợ. Năm 2014 có 65 xã đạt chuẩn NTM, năm 2015 có 65 xã đạt chuẩn NTM; năm 2016 có 35 xã đạt chuẩn NTM. Theo chỉ đạo năm 2017, số xã đạt chuẩn khoảng 20 xã.

BCĐ của tỉnh cũng tập trung xây dựng chuẩn các tiêu chí nâng cao, có phương án giãn nợ NTM. Trong số nợ NTM, Sở tài chính, nông nghiệp bàn bạc thống nhất và các địa phương cần tiết kiệm thu ngân sách để trả nợ.

Giám đốc Điện lực: Mong muốn sớm hoàn trả lưới điện nông thôn

Đại biểu Bành Hồng Hiển - Giám đốc Điện lực Nghệ An

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đại biểu nêu: Hệ thống cột điện xuống cấp, giá điện ngày càng tăng, chất lượng điện, nhất là điện ở nông thôn còn thấp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; Tiến độ hoàn trả lưới điện nông thôn còn chậm, ông Bành Hồng Hiển – Giám đốc Điện lực tỉnh giải trình: Từ năm 2008 đến nay, ngành điện lực đã tiếp nhận 1 triệu khách hàng và đã cải tạo được 400km đường dây hạ áp/11.000km. Ngành cũng đã dành 400 tỷ để cấp điện cho các công trình nhà máy trọng điểm, ưu tiên thực hiện những điểm bức xúc trước, còn lại cần phải theo lộ trình.

Về việc hoàn trả lưới điện nông thôn chậm, Giám đốc điện lực tỉnh cho biết: Ngành điện thực hiện tăng vốn, địa phương thực hiện giảm vốn theo hình thức hoàn trả vốn. Quan điểm ngành điện đồng tình hoàn trả và mong muốn được hoàn trả sớm.

Sở Nội vụ: Nhiều khó khăn trong cấp đổi hiện vật kháng chiến.

Ông Nguyễn Thanh Giang – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Về khen thưởng trong thành tích kháng chiến và cấp đổi hiện vật, Nghệ An hiện có hơn 80 ngàn bộ hồ sơ khen thưởng, trong đó, có 3846 bộ hồ sơ cấp đổi hiện vật, 2960 bộ đã được giải quyết, số còn lại do thiếu nhiều loại giấy tờ; việc kê khai do cá nhân làm nên còn nhiều điểm chưa chính xác; việc lưu trữ hồ sơ gốc chưa đầy đủ nên chưa hoàn thành được.

Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy – TX Thái Hòa nêu: TX Thái Hòa hiện còn 237 bộ hồ sơ yêu cầu cấp đổi đã qua 3 năm nhưng chưa được chấp thuận cấp đổi do thiếu nhiều giấy tờ liên quan. Theo đại biểu, nguyên nhân do thiếu giấy tờ là không thỏa đáng. Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh, ĐBQH tỉnh phải có văn bản đề nghị cấp đổi cho đối tượng, bởi đó là “người thật, việc thật”. Còn giấy tờ liên quan, trong lần công nhận, đã có đầy đủ trong hồ sơ gốc, và việc lưu giữ thuộc về cấp khen thưởng TW.

Trả lời đại biểu Phan Thị Thanh Thủy, ngành Nội vụ đề xuất: Trong thời gian chờ đợi TW hướng dẫn cấp đổi, để đảm bảo quyền lợi, TX Thái Hòa lập danh sách để Ban thi đua khen thưởng tỉnh cấp giấy chứng nhận tạm thời.

Cục trưởng Cục thuế: Nợ thuế còn nhiều do DN tiếp tục gặp khó khăn

Giải trình vấn đề nợ trong XDCB còn nhiều; nợ thuế cao, đặc biệt là thành phố Vinh (nợ 217 tỷ), Đại biểu Nguyễn Đình Hòa (TP Vinh) – Cục trưởng Cục thuế chỉ rõ nguyên nhân của nợ thuế cao là có liên quan đến việc xây dựng cơ bản. Đến 30/11/2016, toàn tỉnh còn nợ 806 tỷ, trong đó tiền phạt nộp phạt chậm. Do DN tiếp tục khó khăn, đặc biệt là các DN khai thác khoáng sản nên không đảm bảo thời gian nộp thuế. Trong khi đó, Nhà nước còn nợ xây dựng công trình cơ bản của DN cũng còn nhiều nên DN được phép chậm nộp thuế.

Cục trưởng Cục thuế cũng nhấn mạnh về những tác động của sự cố môi trường biển đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Doanh nghiệp dẫn đến nợ thuế. Bên cạnh đó, chính sách thu thuế DN giảm từ 22% xuống 20% cũng đã ảnh hưởng đến công tác thu thuế.

Giải trình các vấn đề nóng đại biểu và cử tri quan tâm

Bà Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo kết quả nội dung thảo luận tại tổ và Hội trường

Cuối buổi thảo luận tại hội trường,bà Cao Thị Hiền – Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo kết luận thảo luận tổ và hội trường. Theo đó, trong sáng 15/12 tại phiên thảo luận hội trường đã có 19 lượt ý kiến phát biểu. Về báo cáo tại kỳ họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của thường trực HĐND, UBND , toàn án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và các ngành tại kỳ họp. Đặc biệt các đại biểu tập trung phát biểu nhiều về các giải pháp tập trung mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017 và trọng tâm 2017. Cụ thể, đối với báo cáo đánh giá đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao, khẳng định năm 2016 Nghệ An có sự quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Về sản xuất nông lâm ngư nghiệp tiếp tục phát triển, công nghiệp tiếp tục phục hồi, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tốt, an ninh quốc phòng được giữ vừng, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao.

Về tồn tại: các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao với các đánh giá của HĐND tỉnh và phân tích 2 chỉ tiêu chưa đạt. Một số vấn đề về xã hội, nhân dân còn bức xúc, cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp ...

Về một số chỉ tiêu năm 2017, một số đại biểu cho rằng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GNDP của năm 2017 từ 8-9% là hơi cao. Nhưng tại thảo luận tại hội trường và giải trình phát biểu của Sở kế hoạch đầu tư HĐND tỉnh cũng đồng tình cao với chỉ tiêu này, UBND tỉnh trình hội đồng để quyết định. Đây thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của UBND tỉnh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và năm 2017 thực hiện tốt thì sẽ phục vụ tốt cho nhiệm vụ đến năm 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trao đổi với đoàn đại biểu HĐND tỉnh Xiêng Khoảng và Po-ly-khă-xay (Lào) trước phiên thảo luận tại hội trường

Về lĩnh vực kinh tế còn có những băn khoăn xung quanh vấn đề về diện tích đất hai lúa, vụ đông khó khăn nhiều, nông dân không mặn mà với đồng ruộng. Vấn đề cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần được quan tâm tăng cường theo sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh….

Cũng trong sáng nay, đã có 33 lượt ý kiến cử tri gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng phản ánh một số nội dung như: xã hội hóa giáo dục, thiết bị ; thu phí BOT qua cầu Bến Thủy, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung cư; sinh viên cử tuyển ra trường không có việc làm, thuốc bảo vệ thực vật kém, chất lượng đường dây điện xuống cấp, thi công hồ Thành chưa bồi thường….Chủ tọa phiên họp sẽ chuyển tới các ngành liên quan trả lời theo địa chỉ đã tiếp nhận.

Tác giả bài viết: Thùy Linh - Lê Trang - Văn Nhân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP