Kinh tế

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc nhiều lạc quan

Thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong nhiều năm qua và sắp tới.

Trung Quốc là thị trường chiếm tỉ trọng lớn về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Ảnh: Vũ Long

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), nhấn mạnh: Thị trường Trung Quốc từ trước tới nay là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta.

“Dù hiện nay chúng ta đang cố gắng từng bước để đa dạng hóa thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… song công việc này đòi hỏi cần thời gian nên trong tương lai, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỉ trọng lớn” – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nói.

Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên 468.000 tấn xoài, bằng 112% so với cả năm 2020; 348.000 tấn chuối, bằng 87% so với cả năm 2020; 301.000 tấn mít, bằng 92% cả năm 2020 và 1,1 triệu tấn thanh long, bằng 63% cả năm 2020.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, trong hơn 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hoa quả tươi xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 94,31% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch đạt gần 350 triệu USD. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất là thanh long (454,3 nghìn tấn, tăng 242% so với cùng kỳ), mít quả tươi (226 nghìn tấn, tăng 101% so với cùng kỳ).

Hiện nay, Việt Nam đã và đang duy trì xuất khẩu chính ngạch rất tốt 8 loại trái cây chủ lực, truyền thống sang thị trường Trung Quốc, bao gồm: Xoài, chuối, thanh long, nhãn, vải, mít, dứa hấu, chôm chôm và măng cụt. Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu thêm được mặt hàng thạch đen sang thị trường này.

Bên cạnh đó, khoai lang và sầu riêng là 2 mặt hàng đã được hai bên trao đổi, thống nhất về giải pháp kỹ thuật kiểm dịch thực vật để hoàn thiện nốt công đoạn cuối để xuất đi. Ngoài ra, một số mặt hàng như bưởi, chanh leo, dừa đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi hồ sơ từ năm 2018, hiện đang chờ để đàm phán tiếp.

Cục trưởng Hoàng Trung cũng nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc giờ không còn “dễ tính” như trước. Hàng hóa, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao không chỉ về chất lượng, mà mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng. Yêu cầu này bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả các quốc gia, không riêng gì Việt Nam.

Do đó, để xuất khẩu bền vững sang thị trường khổng lồ này, ngành trồng trọt nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần xây dựng các mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn đối với nông sản.

Tác giả: VŨ LONG

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP