Những ngày đầu tháng 3/2024, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 85 bị cáo đang được TAND TP.HCM đưa ra xét xử.
Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại phiên tòa |
Ngày 8/3/2024, liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bổ sung và bắt tạm giam đối với 9 bị can. Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành; Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ.
Trước đó, tháng 1/2024, Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì có các hành vi sai phạm liên quan đến Dự án Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng.
Đây đều là những cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Những vụ án nghiêm trọng, phức tạp này được khởi tố điều tra, truy tố, xét xử cho thấy công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm nay.
Đáng chú ý, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng gần đây có điểm mới đó là các cơ quan chức năng đã xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý có tình. Lần đầu tiên truy tố tội tham ô tài sản đối với chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước nhưng cũng miễn trách nhiệm hình sự cho những người không có động cơ vụ lợi, không nhận tiền.
Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Nhận hối lộ" |
Trong năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi được nhiều tài sản trị giá hơn 234.000 tỷ đồng; chú trọng động viên, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt, gây thiệt hại, có vụ thu hồi đạt 100%.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt như vậy nhưng số đảng viên bị kỷ luật càng ngày càng tăng, có phải cán bộ không biết sợ? Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã phân tích và khẳng định, cán bộ đã biết sợ nhưng số lượng bị xử lý kỷ luật tăng do mấy nguyên nhân: Tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, nhiều sai phạm diễn ra đã lâu nhưng vừa qua chúng ta làm kiên quyết, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và hiện nay có thêm Ban Chỉ đạo ở địa phương cho nên việc phát hiện và xử lý tăng lên.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với "bệnh sợ trách nhiệm", tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Ông Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương |
Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian tới, các cơ quan, trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đặt biệt là phải hết sức gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ.
“Phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ với nhau. Trong thực thi nhiệm vụ phải hết sức gương mẫu, phối hợp rất chặt chẽ, công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh và đặc biệt là với động cơ trong sạch. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết”, ông Phan Đình Trạc cho biết.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu, năm 2024 các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung xử lý dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị cần phải có sự phối, hợp hiệp đồng tác chiến làm tốt hơn nữa. Mặc dù vừa qua đã phối hợp đồng bộ tốt rồi nhưng cũng phải có cơ chế phối hợp rõ ràng hơn nữa giữa các cơ quan kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý từng bước, cứ dễ, khó sau, phải có bước đi bài bản mới hiệu quả và triệt để hơn.
“Các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, luật chưa phù hợp với thực tế thì sửa luật vì thực tiễn mới là chân lý, từ đó bổ sung, điều chỉnh và thực thi. Tinh thần là đã định thời hạn mà làm không xong thì chúng ta xử người đó, tại sao lại dừng lại không làm, bắt đầu từ cơ quan kiểm tra, điều tra, thanh tra”, Tổng Bí thư cho biết.
Chính quyết tâm của người đứng đầu Đảng, cùng với cách làm bài bản, khoa học, đồng bộ, quyết liệt đã giúp cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ có kết quả rõ rệt như thời gian gần đây, để lại những dấu ấn nổi bật, toàn diện và có bước đột phá mới ở cả Trung ương và địa phương. Kết quả này cũng hứa hẹn năm 2024 tiếp tục là một năm đạt nhiều kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tác giả: Đình Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV