Nhân ái

Xót xa mơ ước của vợ chồng cụ già ôm con tật nguyền trong căn nhà rách nát

Ở tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông Pảy vừa phải tự chăm sóc nhau, vừa lo từng chút cho người con trai tật nguyền. Ông bà đau đáu nỗi lo nhỡ chẳng may có chuyện gì, người con kém may này sẽ ra sao.

Con đường đất đỏ ngoằn ngòeo hàng cây số, đá lởm chởm dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Công Pảy (80 tuổi, ngụ thôn 8, xã Ea M'nang, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk). Ngồi trước hiên nhà, vợ chồng ông Pảy với dáng người khắc khổ đang chậm chạp, run rẩy tách từng hạt bắp.

Ông Pảy với chiếc áo chẳng lành lặn đang chậm chạp tách từng hạt bắp.

Thấy có người lạ đến nhà, bà Lương Thị Quèn (81 tuổi, vợ ông Pảy) cũng tạm dừng công việc để tiếp chuyện. Vợ chồng ông bà nổi tiếng nghèo khó trong vùng, biết bao năm nay vẫn không thể thoát nổi hộ nghèo của xã. Thoát nghèo thế nào nổi, khi gia tài ông bà chỉ còn một đám đất cằn cỗi trồng bắp cạnh nhà, đến căn nhà rách tươm như xơ mướp cũng chưa bao giờ dám mơ sửa sang lại.

Vợ chồng ông Pảy có 5 người con nhưng ai nấy đều có cuộc sống khó khăn, vất vả, mỗi người mỗi nơi mưu sinh. Hai ông bà sống cùng người con trai út là Triệu Văn Lâm (32 tuổi) bị tật nguyền bẩm sinh.

Vợ chồng ông bà chăm sóc cho người con trai út bệnh tật suốt hơn 30 năm nay.

Ngày trước còn sức khỏe, ông Pảy dù bị tật ở chân nhưng vẫn cùng vợ làm nương rẫy, làm thuê làm mướn khắp vùng. Cuộc sống khó khăn, bao năm chỉ đủ ăn qua ngày, chút tiền ít ỏi còn dư cũng để dành hết mua chút thuốc bổ cho cậu con út. Vợ chồng bà cứ vậy sống tằn tiện, kham khổ cả đời người.

Mấy năm nay tuổi cao sức yếu, gia đình ông bà sống trông chờ vào tiền hỗ trợ bệnh tật của người con trai út và tiền hỗ trợ đau bệnh của ông Pảy mỗi tháng vài trăm nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi, vợ chồng bà chật vật chi tiêu, rau cháo qua ngày đoạn tháng.

Vừa nói, bà Quèn chỉ vào chiếc giường trong căn nhà dột rách, tối tăm nơi người con trai bà đang nằm. Cậu con trai mà hơn 30 năm nay vợ chồng bà vất vả chăm sóc từng chút một, cậu không thể tự làm bất cứ điều gì cho bản thân, kể cả vệ sinh cá nhân.

Người con trai út kém may mắn và không thể tự làm bất cứ việc gì.

"Vợ chồng tôi sống trong cái khổ bao lâu nay dần cũng quen, chỉ sợ chúng tôi già cả rồi, sức khỏe sa sút không được như trước nữa thì thằng Lâm sẽ ra đây. Tôi lo lắm, nhỡ có chuyện gì thì lấy ai nuôi, rồi chăm nó đây", bà Quèn buồn bã nói.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi người con trai út của bà bỗng dùng tay chân đập mạnh vào giường rồi hét lớn tiếng một mình, bà Quèn lật đật chạy vào kiểm tra xem con có bị thương gì hay không.

Đi theo bà Quèn vào trong nhà, hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh người con trai ngơ ngác ngồi trên tấm chiếu cũ, được kê tạm bợ trên những khúc ván ghép sập xệ, miệng cậu nhoẻn cười nhìn người lạ trong vô thức. Căn nhà gỗ nền đất tối tăm ẩm thấp đến ngột ngạt, nhiều tấm gỗ đã hư hỏng, mục ruỗng nhưng lâu lắm rồi cũng chẳng được sửa sang.

Bà Quèn đau đáu nỗi lo tương lai của con trai trong khi ông bà đều đã già cả, sức khỏe yếu dần mỗi ngày.

Tìm đỏ cả mắt trong nhà cũng không thấy được bất cứ vật dụng nào có giá trị, ngay cả phần trần nhà cũng phải giăng bạt nilon, vá chi chít che tạm bợ cho qua mùa mưa nắng ở Tây Nguyên.

Thấy chúng tôi có vẻ bất ngờ, bà Quèn phân bua: "Hôm nay cháu vào may là trúng ngày nắng chứ hôm nào mưa nước tạt vào lênh láng cả nền đất nhão nhoét khổ lắm cháu ạ, nhưng lấy đâu ra tiền mà sửa. Cách đây mấy năm, thấy nhà bà khổ quá chính quyền xây cho căn nhà tình thương một bên, nối vách căn này nhưng nhà nhỏ lắm, tối nóng ngủ không được nên cứ phải kê giường nằm ở đây cho mát".

Cả căn nhà của vợ chồng bà Quèn không có nổi một vật dụng có giá trị.

Vừa lấy khăn lau người cho người con trai kém may mắn, bà Quèn nước mắt ngắn dài, bà xót xa cho đứa con sống hơn 30 năm chưa bao giờ kêu được một câu bố mẹ, chưa tự xúc nổi cơm tự ăn. "Cứ nhìn thằng út là tôi đau thắt cả ruột gan, hồi còn nhỏ thấy nó khác thường mà vợ chồng không có khả năng đưa đi chạy chữa, cứ để vậy nên bệnh tình nó nặng lên nhiều", người mẹ khốn khổ day dứt.

Ngoài việc đau đáu lo cho đứa con bệnh tật, vợ chồng bà Quèn ao ước có một chiếc giếng để có nước sử dụng. Suốt mấy năm nay, giếng của gia đình bà cạn trơ đáy nhưng không có tiền để khoan giếng mới.

Cái khổ cứ vậy bủa vây cuộc đời ông bà suốt bao năm qua.

Trong khi đó giá khoan lên tới trên 20 triệu đồng là khoản tiền "trong mơ" mà bà không dám nghĩ đến. Hàng ngày bà phải qua nhà hàng xóm xin từng xô nước về sử dụng; may mắn ngày nào mưa thì bà mang thau, chậu ra hứng nước để dùng dần.

"Mơ ước thì cũng mơ lâu lắm rồi nhưng không tài nào mà có đủ tiền làm giếng, cứ phải đi xin suốt thì ngại mà không xin thì không biết lấy đâu ra mà dùng", bà Quèn chùng giọng.

Không có nổi chiếc giếng để bơm nước sinh hoạt, vợ chồng bà đành đi xin hoặc hứng nước mưa để sử dụng.

Ông Trần Đăng Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ea M'nang - cho biết: "Gia đình ông Pảy là một trong những hộ khó khăn nhất nhì của địa phương; phía xã cũng quan tâm và thường xuyên dành sự hỗ trợ nhưng kinh phí còn hạn chế. Ông bà nay đã cao tuổi còn chăm nom cho con bệnh tật hoàn cảnh éo le nên chúng tôi cũng mong sẽ nhận được sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ thêm giúp vợ chồng ông vơi bớt đi nỗi khó khăn".

Sống đến tuổi gần đất xa trời nhưng vợ chồng bà Quèn còn ngổn ngang những nỗi lo toan, vất vả trong cuộc sống.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Ông Triệu Văn Pảy

Địa chỉ: thôn 8, xã Ea Mnang, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk

ĐT: 0389716285

Tác giả: Thúy Diễm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP