"Đánh vật" trên đường
Trong ảnh là cảnh một số cô giáo, chân đeo ủng nhựa, người lấm lem bùn đất sau hành trình lội suối, vượt đèo dốc chênh vênh đến "cắm bản" tại điểm trường lẻ Gia Phú A,B (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Vừa mệt, vừa đói sau hành trình dài, một vài cô nằm vạ vật, sõng soài trên đường. Bên cạnh họ, những chiếc xe máy cũng lấm lem bùn lầy không kém.
Được biết hình ảnh do cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên mầm non thuộc điểm trường lẻ Gia Phú A, (Trường mầm non số 2 Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chụp và đăng tải trên trang cá nhân ngày 16/8. Hình ảnh đã gây xúc động mạnh với cộng đồng mạng xã hội.
Hình ảnh cô giáo nằm sóng soài trên đường sau nửa ngày "đánh vật" đến điểm trường lẻ. |
Chia sẻ với PV Dân trí cô Hồng cho biết, hiện mình đang làm giáo viên mầm non "cắm bản" tại điểm trường lẻ Gia Phú A, cách nhà gần 70km.
"Những hình ảnh này là đường đến trường của chúng em vừa đi sáng 16/8. Sau cơn mưa nên đường đi vừa trơn, dốc cheo leo, có nhiều đoạn hẹp do đang làm đường hoặc sạt lở khiến 4 cô giáo chúng em chật vật, vừa đi, vừa đẩy bộ", cô Hồng cho hay.
Cô Hồng chia sẻ thêm, thông thường khoảng 2h chiều hàng tuần, cô và 3 cô giáo nữa sẽ mang theo đồ đạc, thức ăn lên những điểm trường lẻ do mình phụ trách. Các điểm trường lẻ này các nhau vài ba km nên các cô rủ đi cùng nhau. Cuối tuần, các cô lại cùng nhau về nhà.
Do thời tiết xấu nên ngày 16/8, nhóm cô giáo mầm non "cắm bản" gồm 4 cô quyết định đi từ sáng chủ nhật.
Nhiều đoạn đường do đang thi công hoặc sạt lở khiến nhiều cô giáo bị ngã. |
Khoảng 6h sáng, cô Hồng cắn nắm xôi rồi lên đường. Trước khi đi, Hồng và đồng nghiệp không quên mang theo xích sắt để quấn vào lốp xe chống trượt.
"Trời vẫn lất phất mưa khiến nhiều đoạn đường đèo dốc trở nên lầy lội như ruộng. Lúc này, nhờ quấn xích sắt, lốp đỡ trơn nhưng xe máy chạy chậm và nặng như máy xúc.
Chúng em càng đến gần điểm trường càng bùn lầy, trơn trượt, cộng với dốc núi cheo leo nên phần lớn đoạn đường phải đẩy. Đoạn nào không đẩy nổi nữa, chúng em chờ dân bản địa nhờ khiêng qua đường lầy hoặc "ủn" phía sau để vượt qua.
Cứ như vậy đến hơn 12h trưa, cả nhóm mới gần đến điểm trường. Vừa đói, vừa mệt nên vài cô nằm vật ra đường, thở không ra hơi", cô Hồng nhớ lại.
Đã từng nghĩ sẽ bỏ nghề
Năm nay cô giáo Hồng 30 tuổi. Cô giáo này kể, ngày mình đang mang bầu, cô vẫn ào ào phóng xe máy đến điểm trường lẻ như "gái son".
Thực ra mỗi lần ôm bụng to lặc lè, phóng xe máy đi đường đèo dốc đến trường, lòng cô cũng hoang mang lo lắng lắm.
Nhiều đoạn, các cô giáo vừa đi vừa phải "mở đường" vì sạt lở nghiêm trọng. |
Thế rồi gia đình mừng đến rơi nước mắt khi đứa con đầu lòng của cô chào đời - một điều rất bình thường nhưng xem như "kỳ tích" với các cô giáo vượt đèo đến "cắm bản".
Con trai được 7 tháng tuổi, cô giáo Hồng gửi con cho bố mẹ rồi tiếp tục đi điểm trường lẻ. Con được 7 tháng rưỡi, cô cai sữa.
"Ở trường, ngực em căng tức vì lên sữa. Trong khi đó ở nhà, con nhỏ khát sữa khóc ngằn ngặt. Thời gian đầu sau khi sinh, cứ nghĩ đến con, em lại khóc.
Nhờ trời, bây giờ con trai em đã học lớp 2. Hàng ngày cháu vẫn ở với ông bà và thường xuyên xa mẹ", cô Hồng chia sẻ.
Chia sẻ về những khó khăn của giáo viên "cắm bản", cô Hồng cho hay, điểm trường của mình có 33 học sinh. Do ở đây chưa có điện nên hàng tuần, ngoài đồ đạc cá nhân, các cô phải chở một số đồ ăn từ nhà lên để nấu bán trú cho học sinh. Sóng điện thoại ở đây cũng kém nên hàng tuần, giáo viên về xuôi in bài học rồi mang lên dạy cho cả tuần.
May mắn năm ngoái, điểm trường này đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Các cô giáo cũng được một phòng bán trú và trải phản nằm trên nền gạch.
Đường đến trường của cô giáo "cắm bản" lầy lội như ruộng. |
"Quả thực hôm nay 'đánh vật' trên đường, quá mệt nên em đã nghĩ đến việc bỏ nghề. Tư tưởng này cũng xuất hiện một số lần nhưng đã 9 năm gắn bó với nghề, em vẫn không bỏ bởi vài ba hôm không thấy tiếng học sinh, thấy nhớ lắm ", cô Hồng nói.
Trao đổi thêm với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Huyền Thương, Hiệu trưởng Trường mầm non số 2 Na Tông cho biết, những hình ảnh do cô Hồng đăng tải là hoàn toàn chính xác.
Bản thân cô cũng lên kiểm tra ở điểm trường lẻ vào ngày 16/8 và biết rõ các cô vừa đi vừa phải mở đường vì nhiều đoạn bị sạt lở, vùi lấp. Nhiều người mệt lả phải nằm ra vệ đường vì các cô đi nửa ngày đường mới gần đến nơi.
Năm ngoái, điểm trường lẻ Gia Phú A đã được đầu tư xây dựng kiên cố. |
"Trường chúng tôi có tổng cộng 18 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, có một điểm trường chính và 3 điểm lẻ.
Ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, cả điểm trường chính và điểm lẻ vẫn chưa có điện, sóng điện thoại "phập phù" nên nhiều khi liên lạc hoặc tìm tòi bài giảng trên mạng Internet rất khó.
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo, năm ngoái điểm trường lẻ đã được xây dựng kiên cố".
Chia sẻ về ngày khai giảng sắp tới, cô Thương cho hay, ở miền núi, việc khai giảng diễn ra đúng quy định nhưng giản đơn hơn nhiều nơi. Đặc biệt ở các điểm lẻ, các cô giáo cũng cố gắng chuẩn bị khai giảng năm học mới theo các trình tự và thủ tục.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí