Trường THPT Võ Chí Công bỏ hoang suốt 4 năm nay bởi sạt lở núi sau trường - Ảnh: LÊ TRUNG |
Sáng 2-4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế xã hội quý 1 và nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2024.
Tại buổi họp báo, Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi liên quan đến Trường THPT Võ Chí Công ở xã A Xan, huyện Tây Giang.
Ngôi trường được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 63 tỉ đồng, nằm trên quả đồi. Năm học 2018-2019, trường được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên học sinh học trường này chưa được bao lâu, thì sau đợt mưa lũ cuối năm 2020 xảy ra sạt lở nghiêm trọng ở đồi núi sau trường.
Hàng nghìn khối đất đá từ ta luy dương đổ xuống, kèm theo những vết nứt lớn ở phía đỉnh đồi đe dọa ngôi trường.
Bốn năm nay, học sinh phải học "nhờ" ở 7 phòng học của Trường THPT Tây Giang cách đó khoảng 40km.
Rêu bám đầy tường trong ngôi trường hơn 63 tỉ đồng - Ảnh: LÊ TRUNG |
Tỉnh sau đó có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, đầu tư thêm 29 tỉ đồng để san gạt tạo mái dốc, đào xúc đất sạt lở, xây kè bảo vệ ta luy dương, gia cố bảo vệ mái dốc.
Như vậy so với mức đầu tư ban đầu thì công trình này "đội" thêm vốn để khắc phục sạt lở, chủ đầu tư đã trình tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổ chức đấu thầu công trình kè chống sạt lở quanh trường.
Thầy Nguyễn Công Tươi - hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công - cho biết hiện nay có 233 học sinh với 7 lớp đang học nhờ phòng học của Trường THPT Tây Giang. Thầy và trò mong muốn trường được đầu tư xây dựng an toàn để về lại dạy, tạo sự an tâm cho học trò.
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi: "Trường được xây hoành tráng trên đồi cao nhưng chỉ vài trăm học sinh học, dư luận cho rằng liệu có chuyện 'tư duy nhiệm kỳ'? Việc khảo sát, lựa chọn địa điểm xây trường có bỏ qua những bước cần thiết về quy trình thủ tục không, vì sao chọn xây trường trên đồi cao để rồi xảy ra sạt lở núi?".
Từ năm 2020 đến nay, học sinh Trường THPT Võ Chí Công phải học nhờ ở trường khác - Ảnh: LÊ TRUNG |
Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Hưng - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - cho biết đối với Trường THPT Võ Chí Công, việc lựa chọn địa điểm xây trường là do chủ đầu tư cùng với địa phương thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư không tham gia.
Tuy nhiên phải chia sẻ với khó khăn ở miền núi, để chọn được một địa điểm bằng phẳng, phù hợp xây dựng một công trình là rất khó khăn. Địa hình Quảng Nam là dốc từ tây sang đông, mà vùng núi thì khó có địa điểm bằng phẳng.
Ở xã A Xan, nếu chọn phía dưới sẽ bị ngập lụt ngay, cho nên rất khó về chọn địa điểm. Thứ hai, nếu ủi đất để có vị trí mặt bằng cho đẹp thì không phải là sự lựa chọn tối ưu. Vì khi địa hình ổn định bao nhiêu đời nay mà ủi thì chỗ đất đắp dứt khoát bị lở, đất đào cũng bị lở hơn.
Ông Hưng cho hay khi xây Trường Võ Chí Công và xảy ra sạt lở thì cần phải điều chỉnh, chứ không thể để nguyên vậy, sẽ xảy ra những hậu quả.
Có rất nhiều nội dung điều chỉnh, nhiều đoàn cũng đã đi khảo sát, đề xuất, một là tiếp tục san ủi đồi phía sau trường nhưng đây là giải pháp không ổn, hai là làm kè, tường chắn (chống sạt lở), ba là dời địa điểm.
"Để đảm bảo cho ngân sách đã bỏ ra đầu tư thì chọn làm kè là giải pháp tốt nhất. Khi đã thống nhất như thế rồi thì tập trung khắc phục, tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau nên việc khắc phục chậm. Trong thời gian tới sẽ khắc phục dứt điểm việc này" - ông Hưng nói.
Vết nứt do sạt lở đồi núi ở sau trường - Ảnh: LÊ TRUNG |
Tác giả: LÊ TRUNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ