Trong nước

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội... là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức.

Tuy nhiên, hoạt động của các trí thức, nhà khoa học, những người cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách để thúc đẩy tính sáng tạo, để đội ngũ trí thức phát huy hết khả năng, năng lực của mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu, trí thức tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam sáng 24/3 tại Hà Nội.

Hơn 40 năm nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu vùng đất, gặp gỡ bao nhiêu người nông dân. Mỗi lần triển khai đề tài khoa học tại một địa phương, ông đều mang theo kỳ vọng giúp người dân ở đó thoát nghèo. Mới đây, ông là chủ nhiệm các đề án: “Phát triển một số giống cam, bưởi chất lượng cao tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.”; “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số dòng, giống bơ tại tỉnh Bắc Giang” và "Nghiên cứu mô hình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh tại vùng Bắc Trung Bộ...Kết quả các đề án mang lại là cơ sở quan trọng để người dân nghiên cứu, lựa chọn và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Ông vinh dự là một trong 112 trí thức tiêu biểu được vinh danh năm 2019.

PGS.TS Lê Tất Khương nhớ lại: “Chúng tôi đã nghiên cứu về nông nghiệp của từng vùng và xác định được như sản phẩm nông nghiệp chủ lực của họ và giúp cho họ xây dựng kế hoạch, chương trình nghiên cứu để phát triển bền vững những sản phẩm nông nghiệp. Thứ hai, chúng tôi đã nghiên cứu lựa chọn ra được những cây trồng để bổ sung vào cơ cấu cây trồng cho từng vùng”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Không chỉ PGS.TS Lê Tất Khương, thời gian qua, hàng nghìn trí thức đã tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học kỹ thuật và trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 đến nay, sau 15 năm, đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng và lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực khẳng định: “Nhân tài là nguồn quý của dân tộc. Bác Hồ luôn nêu khẩu hiệu là phải trọng nhân tài. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đang rất cần cuộc cách mạng công nghiệp này. Họ là những trí thức, tên tuổi, có những đóng góp lớn trong thời đại số hóa. Cần có chính sách để họ có chỗ đứng, đóng góp cho đất nước, được tiếp sức đường lối của Đảng, Nhà nước”.

Tuy nhiên, mới đây, cho ý kiến về Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ Chính trị cũng chỉ ra nhiều bất cập, trong đó có thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành. Tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam- nơi tập trung các nhà khoa học xã hội đầu ngành, những kết quả nghiên cứu ở đây là luận cứ khoa học giúp Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối chính sách. Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu rõ: “Đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học của chúng tôi đang mỏng dần, rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học danh tiếng tên tuổi của đất nước có học hàm, học vị cao cũng đã đến tuổi được nghỉ chế độ. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học giỏi cũng xin chuyển cơ quan công tác, vì các lý do khác nhau, trong đó có một lý do rất đơn giản là sự đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu và giải quyết chế độ chính sách chưa bằng các cơ quan ở bên ngoài. Chúng tôi đang chứng kiến hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Để các trí thức, nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước nhà rất cần những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội... là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xác định việc tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội; tôn trọng, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, chính là tạo môi trường, điều kiện và động lực căn bản để phát triển và phát huy đội ngũ trí thức.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Tất cả các nước trên thế giới muốn phát triển được thì đều phải coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đấy là chủ trương lớn, chủ trương này phải thực sự được cụ thể hóa vào các chính sách, các giải pháp để ứng dụng. Đấy là phải tôn trọng trí thức, sử dụng trí thức, vinh danh trí thức và tạo điều kiện tri thức làm việc. Ở đây không phải chỉ đồng lương đâu mà điều kiện làm việc, tôn trọng họ, giao việc cho họ, quan trọng khi sản phẩm của họ được tạo ra thì phải ứng dụng”.

Trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đã đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để thúc đẩy tính sáng tạo của họ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn cần những cơ chế chính sách, đòn bẩy để đội ngũ trí thức phát huy hết khả năng, năng lực của mình./.

Tác giả: Lại Hoa

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP