Khách tham quan Triển lãm hàng không Quốc tế Farnborough (Farnborough International Airshow) năm nay ở Vương quốc Anh, diễn ra từ 22-26/7, có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng mô hình ý tưởng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 Tempest (Bão tố).
Quá trình phát triển mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất này được công bố lần đầu tiên vào tháng 12/2022, thuộc Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) của Anh, Italy và Nhật Bản.
Theo thỏa thuận, 3 quốc gia sẽ cùng phát triển máy bay, với nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu BAE Systems dẫn đầu dự án, phối hợp với Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) và Leonardo S.p.A. (Italy).
Hình dung về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 Tempest. Ảnh: BAE Systems/Daily Mail |
Nhìn chung, khái niệm mới cho thấy những cải tiến đáng kể về khí động học so với các máy bay khác. Ví dụ, cánh tam giác được sửa đổi và mở rộng sẽ mang lại cho máy bay khả năng kiểm soát tốt hơn và tính linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ.
Để tăng độ "tàng hình" của Tempest, các cửa hút gió được thiết kế góc cạnh và có một phần nhô lên đáng chú ý phía trước đuôi hình chữ V chứa ống dẫn hình chữ S cho các cửa hút gió của động cơ, làm giảm tín hiệu radar phía trước của máy bay.
Động cơ phản lực đang được hãng Rolls Royce phát triển có một số cải tiến, bao gồm cải tiến ống xả để giảm nhiệt độ và tín hiệu radar. Nó có công suất gấp 10 lần so với động cơ máy bay chiến đấu hiện tại, cho phép cung cấp năng lượng cho các vũ khí năng lượng định hướng (Directed Energy Weapon-DEW) như tia laser mà Tempest được trang bị.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, DEW sử dụng năng lượng điện từ tập trung, thay vì động năng như vũ khí thông thường, để "vô hiệu hóa, gây hư hại, hoặc phá hủy thiết bị, cơ sở và/hoặc nhân sự của kẻ địch".
Các DEW khác nhau tùy thuộc vào phần phổ điện từ được sử dụng. Nổi bật nhất là vũ khí laser năng lượng cao (HEL) và vũ khí vi sóng công suất cao (HPM).
DEW cũng chính là loại vũ khí đáng gờm, được coi là "khắc tinh" số 1 của các "bầy đàn" máy bay không người lái (UAV/drone) đang làm mưa làm gió trên các chiến trường hiện nay.
Ngoài vũ khí, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 Tempest sẽ có buồng lái sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) với số lượng tối thiểu các nút điều khiển vật lý. Thay vào đó, mũ phi công sẽ chiếu các thiết bị và bộ điều khiển ảo lên các bề mặt.
Máy bay cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép phi công vận hành tùy chọn và cho phép hệ thống máy tính tiên tiến kết nối mạng với các nền tảng khác và xử lý nhiều nhiệm vụ, từ đó đặt phi công vào vai trò là người chỉ huy nhiệm vụ.
Nó cũng giúp radar của hãng Leonardo trở thành một hệ thống mạnh mẽ có khả năng cung cấp dữ liệu nhiều hơn 10.000 lần so với các hệ thống hiện tại.
"Trong 18 tháng kể từ khi triển khai Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP), chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác công nghiệp của mình ở Italy và Nhật Bản theo thỏa thuận hợp tác, cũng như với 3 chính phủ, để hiểu và điều chỉnh các yêu cầu cho một máy bay chiến đấu thế hệ mới", ông Herman Claesen, người đứng đầu bộ phận chuyên về Hệ thống không quân chiến đấu tương lai của BAE Systems, cho biết.
"Mẫu máy bay mới được ra mắt tại Triển lãm Farnborough cho thấy sự tiến bộ đáng chú ý trong thiết kế và hình thành loại máy bay chiến đấu tương lai này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm và phát triển thiết kế khi chúng tôi tiến gần hơn đến giai đoạn tiếp theo của chương trình", ông Claesen nói thêm.
Sau sự thay đổi gần đây về chính phủ ở Anh, có những lo ngại về việc liệu dự án có tiến triển hay không vì không có cam kết nào về chi tiêu trong tương lai cho dự án.
Tempest ban đầu dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào năm 2027 và sẽ phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và Không quân Italy vào năm 2035. Tuy nhiên, sự hiện diện của "Bão tố" tại triển lãm hàng không Farnborough cho thấy có khả năng các bên đang muốn thăm dò thị trường xuất khẩu.
Tác giả: Minh Đức
Nguồn tin: nguoiduatin.vn