Giấy chứng nhận được Xwatch cấp cho chiếc đồng hồ fake |
Đã kiểm định sai, lại bán đồng hồ lỗi
Như Tiền Phong phản ánh, mới đây anh Vũ Ngọc Dũng chia sẻ câu chuyện khi mua phải một chiếc đồng hồ nhãn hiệu Maurice Lacroix fake (hàng nhái-PV). Điều đáng nói, khi mang đi kiểm tra tại trung tâm thẩm định đồng hồ của hệ thống cửa hàng Xwatch thì nhân viên kỹ thuật ở đây khẳng định: “Chiếc đồng hồ là hàng thật chính hãng, bản limited (giới hạn), không đụng hàng với các bản khác. Đồng thời, còn cung cấp “Giấy chứng nhận” số hiệu: 5535 ngày 21/6 khẳng định chiếc đồng hồ là chính hãng.
Chính hệ thống đồng hồ Xwatch sau đấy, đã phải gọi điện cho khách hàng để thẩm định lại chiếc đồng hồ. Đồng thời, cũng khẳng định có sai sót trong thẩm định chiếc đồng hồ Maurice Lacroix và xin đền bù toàn bộ thiệt hại phát sinh.
Sau khi báo chí phản ánh, nhiều ý kiến đặt ra nghi vấn: Vì sao Trung tâm kiểm định đồng hồ này không được cấp phép, nhưng lại tự thu tiền và cấp giấy chứng nhận như cơ quan chức năng về hàng thật, hàng giả? Mỗi lần kiểm định thu phí 300 ngàn đồng thì số tiền mà trung tâm này thu được lấy lâu là bao nhiêu? Việc một đơn vị phân phối tự lập ra trung tâm điểm định đồng hồ chính hãng bấy lâu “qua mặt”, hay có sự “bảo kê” của cơ quan chức năng?.
Bởi không chỉ kiểm định sai, trước đó trên một diễn đàn mạng xã hội, nhiều khách hàng bức xúc khi mua đồng hồ thương hiệu Thuỵ Sỹ tại các cửa hàng của hãng Xwatch Luxury liên tục bị lỗi.
Đơn cử, trường hợp của anh Quang L. ở Hà Nội chia sẻ, khi anh mua một chiếc đồng hồ thương hiệu TISSOT có giá 18.610.000 đồng) ở cửa hàng Xwatch Phố Huế (Hà Nội), nhưng về dùng chưa được 1 tháng đồng hồ liên tục bị trục trặc. Chiếc đồng hồ liên tục bị lỗi, từ bị chết máy rồi bị nước vào.
Anh L đã mang đến cửa hàng Xwatch Luxury bảo hành 4 lần liền nhưng vẫn bị lỗi. “Sau khi được họ đổi mới cho tôi một chiếc đồng hồ cùng thương hiệu TISSOT, nhưng vẫn xảy ra trục trặc nên hai bên đã thống nhất hoàn lại số tiền mà tôi đã bỏ ra”, anh L. kể lại.
Xwatch “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện nay hệ thống các cửa hàng phân phối đồng hồ Xwatch được xem là uy tín khi có 12 cửa hàng phân phối toàn quốc. Đơn vị này lâu nay phân phối đồng hồ tại Việt Nam với các thương hiệu lớn như: OP, Seiko, Orient, FC, Tissot, Ogival,…
Theo nhiều khách hàng, họ biết đến thương hiệu đồng hồ Xwatch Luxury bởi hệ thống cửa hàng triển khai chương trình thẩm định đồng hồ chính hãng hơn 2 năm nay. “Khi khách hàng phát hiện và báo chí phản ánh thì nhiều người mới nhận thấy đây là điểm rất bất cập và mập mờ của hệ thống Xwatch Luxury. Nếu cửa hàng bán đồng hồ tự lập ra trung tâm thẩm định đồng hồ cho các hãng thì chẳng khác gì họ vừa đá bóng vừa thổi còi”, anh H. chủ một cửa hàng đồng hồ ở Hà Nội phân tích.
Khi PV Tiền Phong đề cập những vấn đề trên, thì đại diện cho Công ty Cổ phần Thương mại Xwatch quốc tế thừa nhận việc đơn vị này tự lập ra trung tâm thẩm định đồng hồ chính hãng và tự cấp giấy chứng nhận cho khách hàng. “Xuất phát từ thực tế trên thị trường có nhiều đồng hồ fake của các hãng nên đơn vị lập trung tâm thẩm định hỗ trợ khách hàng và hầu hết là miễn phí”, vị này nói.
PV hỏi, nếu thu tiền thì thu mức cao nhất là bao nhiêu? “Cao nhất thu 300 nghìn lần”. Căn cứ nào trung tâm thẩm định được các loại đồng hồ chính hãng mà đơn vị không trực tiếp phân phối bán hàng và việc tự thẩm định này có được phép của các hãng đồng hồ không? “Có nhiều căn cứ để thẩm định, chúng tôi có nhân viên kỹ thuật kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhiều năm rồi...".
Vị này cũng cho hay, sau khi báo Tiền phong phản ánh hiện doanh nghiệp này đã dừng việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận thẩm định đồng hồ cho khách hàng. Khi nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì mới thực hiện.
Cần xem xét dấu hiệu gian dối thương mại của Xwatch Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng VP Luật sư Tín Việt và cộng sự (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với giấy thẩm định của hệ thống đồng hồ Xwatch trên, phải xem mục đích thẩm định của cửa hàng là gì? Luật sư Nam phân tích, nếu Xwatch chỉ sử dụng cho hệ thống cửa hàng phân phối, xác nhận đồng hồ mua ở cửa hàng đó là chính hãng, thì nó chỉ như bản cam kết. Còn việc tự thẩm định đồng hồ của các hãng khác không phải họ phân phối, rồi cấp giấy chứng nhận sẽ kéo theo nhiều vấn đề pháp lý như: Xwatch đã được cơ quan chức năng cho phép? Và việc thu tiền, thu lợi nhuận mà làm sai thì chế tài xử phạt, cái sai mà gây thiệt hại thì cửa hàng chịu trách nhiệm gì?. Luật sư Nam giả định: Bạn có một chiếc đồng hồ và muốn bán cho tôi. Để biết đồng hồ chính hãng hay không cả hai người đến cửa hàng Xwatch thẩm định và được cửa hàng cấp giấy xác nhận đồng hồ chính hãng. Sau đó, khi tôi mua đồng hồ và phát hiện đó là đồng hồ không chính hãng, thì việc thẩm định đó là sai thì bây giờ tôi kiện bạn hay là kiện cửa hàng Xwatch? Cửa hàng chịu trách nhiệm gì? Nếu cửa hàng sai sẽ là hành vi gian dối thương mại khi không có chức năng thẩm định, không có trình độ về khoa học kỹ thuật mà thẩm định và cấp giấy chứng nhận. Theo luật sư Nam, nếu việc giám định đồng hồ chính hãng để giúp đỡ nhau về kinh nghiệm thực tiễn thì được, nhưng cấp giấy chứng nhận thu tiền là không được, bởi Xwatch không phải cơ quan giám định. “Việc xác nhận xuất xứ hàng hóa phải do cơ quan có thẩm quyền và đơn vị sản xuất ra quyết định, ra kết luận giám định đối với mặt hàng. Việc cửa hàng bán giấy chứng nhận khi không có giấy phép cơ quan thẩm quyền cấp là trái các chức năng nghiệp vụ. Nếu gây thiệt hại thì anh phải chịu trách nhiệm đền bù và bồi thường tổn thất mà gây ra”, Luật sư Nam nhấn mạnh. |
Tác giả: NHÓM PV
Nguồn tin: Báo Tiền Phong