Trong tỉnh

Vụ 'cô giáo bị tuyên 5 năm tù': Viện kiểm sát kháng nghị hủy án

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã có kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm vụ án bà Lê Thị Dung - cô giáo bị tuyên 5 năm tù - vì bị cáo buộc chiếm đoạt 45 triệu đồng ở Nghệ An.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Kháng nghị theo hướng hủy án vụ án cô giáo Lê Thị Dung để xét xử lại

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, quyết định kháng nghị phúc thẩm vụ "cô giáo bị tuyên 5 năm tù" do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành ngày 23-5.

Theo quyết định kháng nghị phúc thẩm này, viện kiểm sát đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Căn cứ để xem xét hủy bản án sơ thẩm bởi quyết định kháng nghị phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét hết trách nhiệm của bà Dung đối với thiệt hại trong vụ án.

Đại diện gia đình bà Lê Thị Dung cho biết gia đình mới nhận được thông tin Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm gửi cho bà Dung và các cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, gia đình không tiếp cận được nội dung kháng nghị này do bà Dung đang trong thời gian tạm giam.

Bản án sơ thẩm số 17 ngày 24-4 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bà Lê Thị Dung 5 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tòa án cũng buộc truy thu số tiền gần 45 triệu đồng từ bị cáo Dung để trả lại cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Ngoài ra, tòa cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hương - nguyên kế toán trung tâm - mức án 24 tháng tù cho hưởng án treo.

Chiếm đoạt 45 triệu đồng

Theo hồ sơ vụ án "cô giáo bị tuyên 5 năm tù", trong quá trình công tác, bà Lê Thị Dung với vai trò là giám đốc trung tâm đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ.

Quy chế này chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông qua theo quy định và áp dụng bản quy chế này dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền gần 45 triệu đồng.

Cụ thể, tuy đã được thanh toán những nội dung như vị trí bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra nhưng bà Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong các năm 2015 với số tiền hơn 30,9 triệu đồng; năm 2016 hơn 13,8 triệu đồng.

Căn cứ trên các bảng tổng hợp của bà Dung và các cán bộ, giáo viên khác kê khai và ký xác nhận thì bà Hương đã tiến hành đề nghị Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên thanh toán.

Số tiền này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Dung. Việc này được xác định gây thiệt hại cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Đến năm học 2017-2018, bà Hương không làm thủ tục thanh toán tiền thừa giờ cho bà Dung và có nhiều văn bản kiến nghị lên cấp trên, đồng thời có đơn tố giác.

Ông Phạm Ngọc Thạch, chồng bà Dung, mong muốn cơ quan chức năng cho vợ mình được tại ngoại - Ảnh: DOÃN HÒA

Ông Phạm Ngọc Thạch (57 tuổi, chồng bà Dung, ngụ thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết trong thời gian chờ phiên tòa phúc thẩm, gia đình đã gửi đơn xin tại ngoại cho bà Dung.

Trong đơn, chồng và con bà Lê Thị Dung nêu các lý do để xin bảo lãnh tại ngoại gồm: Trước khi bị khởi tố điều tra, bà Dung có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, sống hiền lành, gương mẫu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Bà Dung sức khỏe không tốt, có tiền sử bị bệnh đau dạ dày, mỡ máu cao, suy tim độ 3, rối loạn tiền đình.

Từ đó, gia đình đề nghị cơ quan có thẩm quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho bà Lê Thị Dung tại ngoại để phục vụ điều tra, chữa trị bệnh tật và chăm sóc mẹ chồng già yếu.

Bà Dung bị khởi tố bị can, bắt tạm giam từ ngày 28-3-2022 đến nay.

Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Lâm Quốc Tú - chánh án Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên - cho hay do bà Dung chỉ có một tình tiết giảm nhẹ (điểm v, khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015: người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác - PV), nên thẩm phán tại phiên tòa sơ thẩm không thể xử dưới khung hình phạt.

Sau bản án sơ thẩm, dư luận có nhiều ý kiến về mức án được cho là quá nghiêm khắc. Tuy nhiên, một lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cho rằng vụ án còn phiên xét xử phúc thẩm nên các cơ quan tố tụng đang xem xét vụ án cẩn thận và thấu đáo.

Tác giả: HOÀNG ĐIỆP

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP