Ngày 28/7, Toà án tối cao ở Ấn Độ đã ra phán quyết bé gái 10 tuổi bị hiếp dâm buộc phải sinh con, vì thai đã ở tuần thứ 32. Đây là cú sốc với gia đình nạn nhân bởi kẻ gây ra sự việc có quan hệ họ hàng với bé gái. Thủ phạm đã bị bắt giam và đang chờ xét xử.
"Chúng tôi từng nhiều lần giúp đỡ những thiếu nữ 14, 15 tuổi bị hiếp dâm đến có thai, nhưng bé gái này là trường hợp đặc biệt”, Mahavir Singh, đại diện Cơ quan Pháp lý thuộc bang Chandigarh nói về vụ việc gây chấn động dư luận Ấn Độ thời gian qua.
Hình mang tính minh họa. |
Theo BBC, bé gái 10 tuổi khá kiệm lời và không rời mắt khỏi những bộ phim hoạt hình yêu thích như “Anandi bé nhỏ” hay Shin Chan. Nạn nhân còn quá nhỏ để mường tượng những điều sẽ xảy ra với bản thân.
Trong khi đó, cha mẹ bé thì đau đớn khi đứa con hồn nhiên, hay cười lại phải chịu những nỗi đau về thể chất và tinh thần. "Mẹ của con bé khóc hết nước mắt, còn người cha cảm thấy như đứa con vừa bị ám sát", nhân viên cảnh sát bộc bạch.
Cha của nạn nhân nói: "Tôi muốn hắn bị tử hình hoặc mang án chung thân. Đến nay chúng tôi chưa một lần nhận được lời xin lỗi từ kẻ độc ác đó".
Lý giải về phán quyết đưa ra, Toà án tối cao ở Ấn Độ cho rằng đã có việc nghiêm cấm nạo phá thai với những thai nhi từ 26 tuần trở lên. "Hơn nữa, bé gái còn quá nhỏ nên không thể phá thai", tuyên bố nêu rõ. Để củng cố cho lý lẽ này, một hội đồng bác sĩ cố vẫn khẳng định phá thai là “hành động quá mạo hiểm” và cho rằng bào thai vẫn đang phát triển bình thường, khoẻ mạnh.
Những năm gần đây, toà án các cấp nhận được nhiều đơn kêu cứu của nạn nhân từ các vụ hiếp dâm. Những bào thai trên 20 tuần tuổi đều bị các bà mẹ nhí chối bỏ. Hầu hết nạn nhân không đủ kiến thức để nhận ra cơ thể mình đang mang một sinh linh bé nhỏ.
Theo số liệu từ Chính phủ Ấn Độ, cứ 155 phút trôi qua có một trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại. Năm 2015 có hơn 10.000 trẻ em bị cưỡng hiếp.
BBC nhận định một trong những nguyên nhân khiến hiếp dâm trẻ em trở thành một vấn nạn đau đầu do các tin tức tràn ngập các mặt báo. Thậm chí, nhà báo còn lợi dụng quyền hạn của mình để đe doạ nạn nhân và gia đình họ để khai thác thông tin.
"Khi cha của đứa trẻ đến tìm gặp tôi, ông bày tỏ nỗi lo ngại, dè chừng với giới báo chí. Ông ấy cho biết hàng ngày, hàng tá phóng viên đứng rình rập bên ngoài ngôi nhà của họ, tìm kiếm những thông tin nóng sốt. Sự riêng tư của họ bị xâm hại”, BBC dẫn lời Neil Roberts, Chủ tịch hiệp hội phúc lợi trẻ em, chia sẻ.
Giới truyền thông có thể giúp nạn nhân thể hiện tiếng nói, tìm lại công lý hay tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Song, những thông tin phơi bày trên mặt báo mỗi ngày là nỗi ám ảnh, sự tủi nhục với gia đình nạn nhân. Nhiều phóng viên còn giả làm nhân viên chăm sóc trẻ, để tiếp cận và vô tình xoáy sâu vào nỗi đau của nạn nhân.
Liên quan đến vụ án, cây bút Geeta Pandey bày tỏ nỗi lo ngại tương lai của "thai phụ 10 tuổi" và sự kỳ thị của cộng đồng khi cô bé trưởng thành.
“Liệu một đứa bé nhỏ tuổi như vậy có thể sinh con? Sẽ không có gì nguy hiểm chứ? Chúng tôi hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con bé”, một nhà hoạt động vì trẻ em nói.
Tác giả: Trà My
Nguồn tin: zing.vn