“Nếu vi phạm pháp luật phải khởi tố, chứ không phải xử lý nội bộ”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 21/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản làm giả hơn 800 giấy lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường.
“Nếu vi phạm pháp luật phải khởi tố, chứ không phải xử lý nội bộ”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, Bộ đã phát hiện và chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý. Hiện vụ việc này đã được Bộ Công an báo cáo Thủ tướng, trong thời gian gần nhất sẽ khởi tố vụ án.
Liên quan tới vụ việc này, tuần trước, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công an khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 20/7/2016, Dân trí đã phản ánh việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (gọi tắt Trung tâm) – trực thuộc Tổng cục Thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục thủy sản cấp phép cho lưu hành.
Tuy nhiên, để được vào danh mục sản phẩm này, một bản báo cáo kết luận được hé lộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là "nghiễm nhiên" có tên trong danh sách.
Đặc biệt, chỉ với 3 bản phụ lục được ký khống và 2 công văn được xây dựng và ban hành trái quy định, hơn 2 năm qua, hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.
Liên quan tới vụ việc này, sau khi có kết luận giải quyết tố cáo, Tổng cục Thuỷ sản đã cách chức và khai trừ Đảng ông Bùi Đức Quý. Vào thời điểm cắt chức, ông Quý đã chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản.
Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cũng buộc thôi việc và khai trừ Đảng với công chức là ông Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng Cục; buộc thôi việc 5 viên chức và cảnh cáo của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
Tổng cục có văn bản thu hồi toàn bộ những văn bản bị ghép, đưa thêm sản phẩm trái quy định và ban hành hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, xử lý với sản phẩm đưa vào phụ lục không đúng quy định. Đồng thời, ban hành 4 quyết định thu hồi tiền nộp ngân sách nhà nước với số tiền là 1,176 tỷ đồng. Đến nay, các cá nhân bị thu hồi tiền đã thực hiện nộp tiền.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thu hồi này không có nhiều ý nghĩa. Lý do là vì 72 doanh nghiệp “mua” giấy phép lưu hành đã sao chép thành nhiều bản để công bố.
Và nguy hiểm nhất là 800 vật tư thủy sản đã được cấp phép bất hợp pháp vẫn đang lưu hành trên thị trường. Không biết chất lượng các vật tư này như thế nào, rủi ro đang dồn cho những người nuôi trồng thủy sản. Nhiều người đang bức xúc tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn từ chối công bố danh mục 800 sản phẩm bất hợp pháp và tên các doanh nghiệp gian dối.
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: