Cô gái thoát nạn nhờ kêu cứu
Đối tượng Lê Phú Cự từng có vợ con, nhưng vẫn quan hệ tình cảm và có 2 con chung với chị gái của chị P.T.T (SN 1993, quốc tịch Hoa Kỳ) nên gia đình chị T xem Cự như con rể, giúp đỡ nhiều tiền bạc để đầu tư kinh doanh.
Trong một lần về nước thăm gia đình, vào trưa ngày 6/7/2015, chị T đang nằm ngủ thì bỗng giật mình tỉnh dậy thấy “anh rể” là Cự đang khỏa thân áp sát người mình. Chị T bỏ chạy ra ngoài nhưng bị Cự kéo lại, dùng vũ lực cố tình thực hiện hành vi hiếp dâm.
Sau nhiều lần bị Cự vật ngã, chị T vùng thoát chạy được ra hướng cửa sổ để kêu cứu. Rất may, lúc này người em họ tên Vỹ tới nhà, nghe kêu cứu liền vội leo cổng vào. Do đó, Cự mới dừng hành vi, để cho chị T thoát xuống nhà. Cự còn đe dọa không được tiết lộ chuyện này với ai nếu không Cự sẽ giết chị T và cả gia đình. Còn em Vỹ vào được nhà thì thấy chị T đầu tóc rối bù, khóc và chỉ nói: “Chị sợ lắm, chị muốn về Mỹ”.
Quá sợ hãi, chị T dọn đồ đạc qua nhà bạn ở và hôm sau đổi vé bay về Hoa Kỳ rồi mới điện thoại báo cho cha ruột là ông Phạm Văn Tứ biết. Ông Tứ có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Cơ quan CSĐT Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam Lê Phú Cự. Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ đến VKSND quận 7 thì ông Lê Công Hòa – Phó Viện trưởng VKSND quận 7 không phê chuẩn mà còn ra Quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố bị can và yêu cầu Công an quận 7 đình chỉ mọi hoạt đồng tố tụng đối với Lê Phú Cự. Về phía Cơ quan CSĐT Công an quận 7, mặc dù thời gian điều tra vẫn còn những lại ra Quyết định đình chỉ điều tra do hết thời hạn (!). Trước vụ việc trên, ông Phạm Văn Tứ đã làm đơn tố cáo gay gắt, dư luận bức xúc.
Viện KSND Tối cao chỉ đạo phục hồi điều tra!
Trong đơn, ông Tứ nêu ra nhiều điểm sai trái của các cơ quan thực hiện tố tụng. Đặc biệt là sai nghiêm trọng khi vụ án có yếu tố nước ngoài, phức tạp, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan tố tụng quận 7 nhưng cơ quan này vẫn “ôm án”.
Thay vì phê chuẩn hay không phê chuẩn hoặc xem xét yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án lên cấp có thẩm quyền điều tra theo luật định nhưng ông Lê Công Hòa - “ngâm” đến 30 ngày mới ký văn bản “không số”, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS).
Thực chất, đây là vụ án hiếp dâm không thành nhưng VKSND quận 7 lại cho rằng chưa có hậu quả xảy ra, không xem đầy đủ các chứng cứ, chưa cho đối chất các lời khai có mâu thuẫn thì đã vội yêu cầu đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với nghi phạm là trái pháp luật.
Sau khi xem xét đơn tố cáo của ông Phạm Văn Tứ là có căn cứ. Ngày 20/1/2017 Lãnh đạo VKSND Tối cao đã có văn bản chỉ đạo: Yêu cầu VKSND TP HCM chỉ đạo Viện KSND quận 7 yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận 7 hủy bỏ Quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời Quyết định phục hồi điều tra vụ án, điều tra làm rõ và giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Ngày 23/01/2017, Viện KSNDTC cũng đã có Công văn số 253/VKSTC-V2 thông báo cho ông Tứ biết đã giải quyết đơn và chỉ đạo VKSTD TP HCM giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Ngày 14/3/2017, Cơ quan CSĐT Công an quận 7 đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án số 04. Quyết định này cũng đã gửi đến Viện KSND quận 7.
Phải chuyển vụ án lên cấp có thẩm quyền
Điểm lưu ý, trong văn bản chỉ đạo của Viện KSNDTC đã chỉ ra những điểm bất hợp lý: “Vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 nhưng chị T đang học tập và cư trú dài hạn ở Mỹ; đối tượng Lê Phú Cự có visa đi Mỹ, có gia đình ở Mỹ và thường xuyên đi Mỹ, không xác định được nơi ở; quá trình xác minh giải quyết tố giác, Điều tra viên có mượn tiền của gia đình ông Tứ…”.
Việc Viện KSNDTC nêu bất hợp lý như trên chứng tỏ Cơ quan CSĐT Công an quận 7 không có thẩm quyền trong việc điều tra khi bị hại có yếu tố nước ngoài, nghi phạm lại có khả năng ra bỏ đi nước ngoài.
Điều này cũng được khẳng định tại điểm 23, mục II Công văn 81 ngày 10/6.2002 của TAND Tối cao, trong vụ án có bị cáo, người bị hại, người có nghĩa vụ hoặc quyền lợi liên quan là người nước ngoài, hoặc tổ chức nước ngoài thì căn cứ vào các quy định tố tụng hiện hành, thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Tại Điều 7 Nghị quyết 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, yếu tố người nước ngoài là: “Đương sự là người Việt Nam định cư, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam”.
Ở vụ án này, trước khi vụ án xảy ra, chị T đã được Hoa Kỳ cấp thẻ xanh thường trú học tập tại Mỹ; khi phục hồi điều tra, chị T đã là công dân chính thức của Hoa Kỳ. Như vậy, thẩm quyền điều tra vụ án phải thuộc Cơ quan CSĐT Công an TP HCM.
Trong đơn mới nhất gửi Viện trưởng VKSND quận 7 và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận 7, ông Phạm Văn Tứ yêu cầu hai cơ quan này phải khẩn cấp chuyển hồ sơ vụ án lên Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để điều tra theo thẩm quyền tránh trường hợp Lê Phú Cự bỏ trốn khỏi địa bàn, gây khó khăn, kéo dài việc điều tra.
Ông Tứ cho biết: Căn cứ của tôi yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án là hoàn toàn theo quy định pháp luật, nếu Cơ quan CSĐT Công an quận 7 không chuyển hồ sơ vụ án lên cấp có thẩm quyền là vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Trên thực tế, Thông báo “rút kinh nghiệm” số 1320/TB-VKS-P2 ngày 09/11/2015 của Viện KSND TP HCM đã nêu rõ: TAND TP HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài do Cơ quan điều tra – Công an quận, huyện kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát thành phố truy tố bị can ra trướcTAND TP HCM, với lý do việc điều tra không đúng thẩm quyền theo quy định Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Như vậy, vì một lý do gì? Cơ quan CSĐT Công an quận 7, Viện KSND quận 7 tiếp tục “ôm án”, nếu hậu quả xấu xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Tác giả bài viết: Trung Duy
Nguồn tin: