Cuộc chiến rạng sáng 14-3-1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Trong cuộc chiến bi hùng này, 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương... Máu của các chiến sĩ đã hòa cùng biển cả, nhắc nhớ thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc!
Để tri ân các anh hùng liệt sĩ hải quân, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 13-3-2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: DUY VY
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cũng là nguyện vọng của thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma và nhân dân cả nước, đồng thời tạo thêm một công trình văn hóa, điểm tham quan giáo dục truyền thống yêu nước, giữ nước cho các thế hệ mai sau. Ảnh: DUY VY
Khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, bên bờ biển phía bắc bán đảo Cam Ranh thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 150 tỉ đồng, từ sự đóng góp của người lao động, nhân dân cả nước. Ảnh: TẤN LỘC
Trung tâm khu tưởng niệm nằm trên đồi cát cao nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Do đó, các đơn vị thi công đã huy động hàng trăm công nhân lành nghề, giàu kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhất công việc. Ảnh: TẤN LỘC
Việc chế tác tượng các chiến sĩ được thực hiện hết sức công phu, kỹ lưỡng do nhà điêu khắc nổi tiếng Lâm Quang Nới - tác giả của nhiều tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác, trong đó có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước UBND TP.HCM - trực tiếp chỉ đạo thi công.
Để chế tác riêng phần tượng đã phải huy động gần 300 tấn đá granite, trong đó có nhóm nhân vật phải tạo hình liền khối từ những tảng đá nguyên nặng hơn 14 tấn. Loại đá này sáng, mịn, đẹp nhưng có độ cứng rất lớn, đòi hỏi kỹ thuật xử lý rất cao. Do đó, hầu hết những người tham gia chế tác tượng là những nghệ nhân nổi tiếng, chuyên nghiệp đến từ các làng nghề truyền thống ở Ninh Bình. Ảnh: TẤN LỘC
Trái tim của khu tưởng niệm là cụm tượng đài chính mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với quân Trung Quốc ngày 14-3-1988.
Cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cùng các cộng sự thực hiện, cao 12 m (chưa tính đế), ngang 12 m, bán kính 7 m với chín nhân vật tượng trưng cho các chiến sĩ hải quân. Ảnh: TẤN LỘC
Ngày 18-1, cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" đã được hội đồng nghiệm thu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiệm thu, sau gần hai năm kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Gạc Ma. Ảnh: NGUYỄN HÒA
Đến nay đường lên cụm tượng đài chính với hơn 100 bậc thang cũng đã hoàn thành. Ảnh: TẤN LỘC
Hiện nay, các đơn vị thi công đang tiếp tục khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của khu tưởng niệm. Ảnh: TẤN LỘC
Hạng mục bảo tàng ngầm lịch sử Gạc Ma đang vào giai đoạn gấp rút để hoàn thiện. Hiện Ban Quản lý dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang thu thập hiện vật, tư liệu, thiết kế trưng bày hiện vật trong bảo tàng. Ảnh: TẤN LỘC
Dưới cái nắng chói chang của vùng cát trắng Cam Ranh, các công nhân đang miệt mài hoàn thiện công trình. Ông Nguyễn Văn Bình (ngụ xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) chia sẻ: “Tôi đã tham gia thi công nhiều công trình nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc thiêng liêng, thành kính khi được tham gia thi công khu tưởng niệm này vì tôi thật sự cảm phục những chiến sĩ đã anh dũng, bất khuất bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”. Ảnh: TẤN LỘC
Đường lên cụm tượng đài chính dành cho người khuyết tật đã hoàn thành. Ảnh: TẤN LỘC
Theo ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, thành viên thường trực Ban Quản lý dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, khu tưởng niệm sẽ được khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7-2017. Trong ảnh là quảng trường Hòa Bình trong khu tưởng niệm. Ảnh: TẤN LỘC
Dù khu tưởng niệm chưa đưa vào hoạt động nhưng đã có nhiều đoàn đến dâng hưởng tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trong cuộc hải chiến với hải quân Trung Quốc ngày 14-3-1988. Ảnh: TẤN LỘC
Nhiều du khách nước ngoài cũng đến thăm viếng, tham quan khu tưởng niệm. Ảnh: TẤN LỘC
Theo chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang quy hoạch, thiết kế giai đoạn 2 của khu tưởng niệm với diện tích 2,5 ha về phía biển, tạo thành một quần thể tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Trong ảnh là phối cảnh khu tưởng niệm. Ảnh: TẤN LỘC
Nguồn tin: