Nhưng thử hỏi, khi Việt Nam là chủ nhà của một giải Đông Nam Á, chúng ta đã toan tính thiếu tinh thần Fair Play chưa? Có rồi! Và một thời bị các nước bạn chỉ trích rất nhiều.
Thế hệ vàng Việt Nam chưa từng lên ngôi cao nhất Đông Nam Á
Sau khi có thông báo chính thức từ Malaysia thì chưa thấy các nước Đông Nam Á lên tiếng nhưng dư luận ở Việt Nam thì cay cú. Trên các trang mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi tẩy chay SEA Games 29 hoặc nặng lời với chủ nhà, “tố cáo” cái trò của “ao làng”, “vùng trũng” của bóng đá thế giới nó tham lam thế nên… chẳng tiến bộ được.
Và chúng ta hãy thử đặt mình vào đội Thái Lan, hoặc Indonesia (thậm chí là người hâm mộ của hai đội tuyển nước này) vào hồi Tiger Cup 1998 khi chủ nhà chơi chiêu trò thiếu Fair Play suýt dẫn đến…bể giải, tai tiếng.
Cái lưng của Sasi Kumar làm tan vỡ giấc mơ vàng của bóng đá Việt Nam
Lần đó bảng A Tiger Cup thi đấu tại Hà Nội, còn bảng B thi đấu tại TP.HCM. Bất ngờ chủ nhà Việt Nam nhì bảng A. Thế là Ban tổ chức chủ nhà đưa ra yêu cầu, đội nhất bảng B phải bay ra Hà Nội thi đấu, trong khi bảng B thi đấu lượt cuối muộn hơn một ngày.
Cuối cùng trên sân Thống Nhất diễn ra “trận cầu thối” giữa Thái Lan và Indonesia khi không ai muốn thắng để phải bay ra Hà Nội. Lúc đó tuyển Indonesia và Thái Lan đã chắc suất vào bán kết, nhưng còn tranh ngôi nhất nhì.
Cái sự thiếu tinh thần Fair Play của chủ nhà dẫn đến trận đấu mà cả Thái Lan và Indonesia đều muốn thua để nhì bảng, ở lại TP.HCM thi đấu bán kết. Hai đội cứ lờn vờn không chịu sút vào lưới, thậm chí mở toang khung thành cho đối thủ sút vào…
Đến những phút cuối cùng Effendi của Indonesia sút tung lưới nhà để đội mình thua Thái Lan 2-3 nhì bảng B để được ở lại TP.HCM để chờ tuyển Singapore (nhất bảng A) từ Hà Nội bay vào đá.
AFF chờ xong giải rồi xử phạt hai đội, trong đó cá nhân Effendi bị treo giò 2 năm từ các giải quốc tế đến quốc nội và phạt 30 ngàn USD. Sau đó Effendi được giảm án xuống còn 1,5 năm treo giò. Trở lại đá bóng hơn một năm thì Effendi giã từ sân cỏ.
HLV Ong Kim Swee của U-22 Malaysia đang được chủ nhà SEA Games 29 hỗ trợ hết mình, nhưng ngôi vô địch thì rất...xa
Trên thế giới này, nhất là bóng đá châu Âu luật luôn hoàn hảo mà ai cũng hướng đến. Đội đầu bảng phải luôn có được những ưu tiên, để tránh những hệ lụy như trên diễn ra nhưng Ban tổ chức chủ nhà Việt Nam của Tiger Cup 98 thì làm điều thiếu Fair Play, mang tính toan tính hẹp hòi.
Cuối cùng Thái Lan bay ra Hà Nội đá thua Việt Nam 0-3 trong một trạng thái mà Thái Lan… đá bỏ. Còn Indonesia đá bán kết với Singapore tại TP.HCM cũng trong tâm trạng chẳng hứng thú gì và thua Singapore. Sau một trận thắng Indonesia, Singapore lại phải bay ra Hà Nội đá chung kết với chủ nhà Việt Nam.
Và cuối cùng ai cũng biết cái lưng của Sasi Kumar đã “giết chết giấc mộng vàng” của bóng đá Việt Nam. “Người tính không qua trời tính”, nhưng tai tiếng để lại thì còn lâu mới phai nhòa.
Sasi Kumar và số áo 13 đã "giết chết" giấc mộng vô địch Đông Nam Á của tuyển Việt Nam năm 1998
Sau đó một thời gian khi tuyển Indonesia sang Việt Nam dự giải quốc tế LG Cup (tiền thân là Cúp Độc lập tại TP.HCM), chúng tôi trò chuyện nhiều với lãnh đội tuyển Indonesia và họ lắc đầu ngao ngán về cái thể thức kỳ lạ, chẳng giống ai của lần Tiger Cup 1998 ấy, đẩy hai đội Thái Lan và Indonesia vào chơi thứ bóng đá phản bội người hâm mộ.
Cả đất nước Indonesia sẻ chia với “kẻ đốt đền” Effendi dù cầu thủ này bị AFC trừng phạt nặng. Mặt khác dư luận Thái Lan và Indonesia lên tiếng phê phán rấ nặng sự toan tính của chủ nhà Việt Nam.
Nói thế để thấy rằng, bây giờ đây, chủ nhà SEA Games 29 toan tính hẹp hòi nhưng cũng còn thời gian dài để mà các đội khác đối phó, nó vẫn còn “Fair Play” hơn so với “quy chế” ẩn núp rồi “đùng một cái” được chủ nhà Tiger Cup 98 bung ra làm các đội trở tay không kịp, suýt bể giải qua “trận cầu thối” mà nguyên nhân là chủ nhà Việt Nam gây ra.
Trách móc làm gì, phê phán làm gì khi chúng ta cũng từng toan tính hẹp hòi và còn bất ngờ hơn nhiều so với Malaysia đã thông báo trước.
Tác giả bài viết: DUY ÂN
Nguồn tin: