Kinh tế

Việt Nam vẫn có 6 tỉ phú USD, những vị nào năm qua gia tăng tài sản?

Năm 2024 đã khép lại, Việt Nam vẫn duy trì 6 cái tên trong bảng xếp hạng tỉ phú USD, theo dữ liệu cập nhật trên Forbes. Trong đó, có tỉ phú tăng thêm tài sản ròng, ngược lại có những đại gia bị suy giảm tài sản.

Ông Phạm Nhật Vượng - tỉ phú giàu nhất Việt Nam - xuất hiện cùng hai con trai tại lễ trao giải thưởng VinFuture - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo dữ liệu trên Forbes, 6 tỉ phú Việt Nam nắm giữ khối tài sản 13,3 tỉ USD tại thời điểm 31-12-2024, tăng 700 triệu USD so với cuối năm 2023, nhưng có phần suy giảm nhẹ so với thống kê cuối quý 1-2024.

Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam

Người giữ vị trí top 1 bảng xếp hạng tỉ phú USD Việt Nam năm 2024 tiếp tục là ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch HĐQT Vingroup kiêm tổng giám đốc VinFast - với 4,1 tỉ USD, theo dữ liệu từ Forbes.

Dù giữ vững vị thế người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ 712 danh sách người giàu nhất thế giới, nhưng quy mô tài sản ròng ông Vượng về cuối năm có phần "hao hụt" so với thời điểm cuối quý 1-2024 (4,4 tỉ USD).

Tài sản các tỉ phú được thống kê dựa phần lớn vào giá trị cổ phiếu. Tỉ phú Vượng đang nắm 691,27 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup, tương đương khoảng 18% vốn điều lệ tập đoàn. Số còn lại, ông Vượng sở hữu thông qua các công ty riêng.

Năm 2024, VN-Index tăng hơn 12% nhưng nhiều cổ phiếu Bluechips lại chịu sức ép trước áp lực bán ròng của khối ngoại, như VIC của Vingroup (-9%).

Sở hữu khối tài sản lớn, ông Vượng đang dồn lực, dồn mọi tâm huyết vào làm xe điện với cam kết tài trợ 50.000 tỉ đồng từ cá nhân.

Không chỉ chủ tịch Vingroup, tài sản của ông Trần Bá Dương - chủ tịch HĐQT Thaco và ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch HĐQT Masan Group - cũng suy giảm so với cuối năm ngoái.

Cuối năm 2024, tài sản của tỉ phú Dương còn 1,2 tỉ USD, giảm 300 triệu USD so với cuối năm 2023. Ông Quang cũng "vơi" bớt 300 triệu USD, còn 1 tỉ USD.

Ngược lại, ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - có thêm 600 triệu USD so với cuối năm 2023 nhờ tăng trưởng tích cực của cổ phiếu HPG, khi tính chung cả năm 2024 thị giá tăng thêm 5%.

Tuy nhiên càng gần về cuối năm, ảnh hưởng chung của thị trường, mã HPG bớt sự hưng phấn so với giai đoạn đầu năm và gặp nhiều phiên điều chỉnh. Cũng bởi vậy, ở thời điểm đầu tháng 4-2024, tài sản ròng ông Long đã vọt lên 2,6 tỉ USD, trước khi lùi về mốc 2,4 tỉ USD.

Việt Nam đặt mục tiêu có 10 tỉ phú USD

Trong khi các ông chủ sản xuất, kinh doanh ô tô đang khá chật vật thì dường như tỉ phú lĩnh vực ngân hàng, hàng không lại có một năm tốt hơn, nếu nhìn về quy mô tài sản ròng.

Người đứng thứ hai bảng xếp hạng tỉ phú USD Việt Nam năm 2024 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air, với tổng tài sản 2,9 tỉ USD, tăng 700 triệu USD so với cuối năm 2023.

Với việc sở hữu tài sản hàng tỉ USD, bà Thảo xếp vị trí thứ 1.387 trong bảng xếp hạng người giàu thế giới.

Tương tự, ông Hồ Hùng Anh - chủ tịch Techcombank - cũng ghi nhận gia tăng 300 triệu USD, lên mức 1,8 tỉ USD.

Theo nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 tỉ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á, theo nghị quyết vừa ban hành của Chính phủ.

Trong quá khứ, Việt Nam từng có 7 tỉ phú USD (Forbes, tháng 3-2022), nhiều nhất từ trước đến nay. Sau đó đến lần cập nhật cuối năm 2022, Việt Nam chỉ còn 6 tỉ phú, ông Bùi Thành Nhơn - chủ tịch Nova Group - không còn xuất hiện trong danh sách.

Ông Nhơn lần đầu góp mặt nhóm các tỉ phú USD Việt Nam hồi đầu năm 2022 với khối tài sản 2,9 tỉ USD, đứng thứ 1.053 thế giới.

Sau đó khi đối mặt nhiều khó khăn trên thị trường bất động sản, cổ phiếu NVL của Novaland bắt đầu giảm mạnh, doanh nghiệp đối mặt áp lực trả nợ lớn, ông Nhơn cũng không còn là tỉ phú USD.

Tác giả: Bình Khánh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP