Trong nước

Viện Hải dương học không thấy san hô tại khu vực 'Vĩnh Tân nhận chìm'

Thành phần vật liệu trầm tích đáy biển chủ yếu là cát mịn, không phát hiện san hô nhưng có mẫu nhỏ là đối tượng khai thác làm thực phẩm.

Bộ Tài nguyên Môi trường vừa thông tin về kết quả khảo sát sơ bộ hiện trạng khu vực dự kiến nhận chìm chất nạo vét tại vùng biển xã Vĩnh Tân của Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), từ ngày 18 đến 21/7.

Vị trí Viện hải dương học khảo sát để đánh giá sơ bộ hiện trạng nền đáy khu vực nhận chìm chất nạo vét.

Theo đó, bằng phương pháp đo sâu hồi âm bằng máy Lowrance 526 và định vị vệ tinh, Viện Hải dương học kết luận địa hình đáy khu vực dự kiến nhận chìm khá bằng phẳng với độ sâu -35 m đến -36,8 m.

Về trầm tích đáy, nhóm khoa học sau khi thu mẫu đã mô tả tại chỗ về màu sắc, mùi, kiểu trầm tích, thành phần vật liệu và độ sâu thu mẫu; sau đó họ mang chúng về phòng thí nghiệm để xử lý, phân tích các chỉ tiêu cơ học. Kết quả, thành phần vật liệu trầm tích đáy biển chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật.

Hai chuyên gia với sự hỗ trợ của thiết bị lặn và các thiết bị chuyên dụng cũng đã thực hiện quay video sinh cảnh nền đáy tại 5 khu vực. "Xử lý tư liệu cho thấy đây là sinh cảnh đáy mềm, khá nghèo sinh vật kích thước lớn, chỉ xuất hiện một số ít bụi rong, cua ký cư, ốc, huệ biển và không phát hiện san hô hay cỏ biển", báo cáo nêu.

Phân tích mẫu sinh vật đáy nhỏ trong trầm tích, Viện ghi nhận sự hiện diện của cả 4 nhóm động vật gồm giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác và da gai. Trong nhóm thân mềm có một mẫu với kích thước nhỏ của loài móng tay - là đối tượng được khai thác làm thực phẩm.

Thành phần vật liệu trầm tích đáy biển chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật.

Kết quả của Viện Hải dương học mới là khảo sát sát bước đầu, để đưa ra quyết định về việc "giao biển để nhận chìm hay không", Bộ Tài nguyên còn phải căn cứ vào kết luận của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam - đơn vị mới được Phó thủ tướng giao đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật, chất nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến cảng chuyên dùng của Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Trước đó, đại diện Bộ Tài nguyên từng khẳng định nếu khu vực thực hiện nhận chìm có san hô hay hệ sinh thái thì sẽ xem xét lại toàn bộ báo cáo của chủ đầu tư. Giấy phép nhận chìm mới chỉ là căn cứ để chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các khâu chuẩn bị khác, chứ chưa phải giao biển cho doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu mét khối bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m.

Việc này vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học và tổ chức liên quan, vì họ cho rằng có thể xảy ra "thảm họa môi trường" nếu dự án thực hiện.

Gần đây, tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi một số cơ quan trung ương và Bộ Tài nguyên đề xuất có thể dùng chất nạo vét để lấn biển tại khu vực dân cư bị sạt lở do triều cường.

Tác giả: Phạm Hương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP