Trường ĐH Đông Đô có nhiều vụ việc tai tiếng liên quan tuyển sinh và đào tạo |
Trong danh sách 3 lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh mà trường ĐH Đông Đô tuyển sinh trong các năm 2017, 2018, 2019 mà Tiền Phong có được, phần nhiều học viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH hoặc giáo dục THPT, có lớp chiếm tới hơn 50%. Trong số này, có những học viên đến từ chính những trường có đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh chính quy hoặc văn bằng 2.
Lớp NA823.01.24 (nhập học ngày 29/12/2018) có 2 học viên đến từ trường ĐH Luật, ĐH Huế, trong khi ĐH Huế có trường ĐH Ngoại ngữ tuyển sinh liên tục văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh chính quy. Lớp NA823.02.32 (nhập học ngày 24-26/1/2019) có học viên đến từ trường THPT chuyên Ngoại ngữ, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội nơi tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh từ lâu.
Ông Bùi Viết Toàn, trường ĐH Hà Nội, nói rằng, văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh chính quy của trường luôn nhận được sự quan tâm của nhiều học viên. Tuy nhiên, yêu cầu đầu vào, đầu ra của trường cao, nên mọi người thường ví “vào đầu voi ra đuôi chuột”.
Trong khi đó, theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an từ tháng 4/2017, lãnh đạo trường ĐH Đông Đô đã ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân, đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo. 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường ĐH Đông Đô tổng số tiền hơn 24,2 tỷ đồng.
Ngoài các lần hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng giả cho 118 cá nhân, trường ĐH Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.
Những lớp học “ma”
Một chuyên gia ĐH cho biết, tại trường ĐH Đông Đô có những lớp học thật để che mắt cho những lớp học “ma”, nơi học viên cần đủ bằng cấp, đủ tiêu chuẩn hoàn thiện hồ sơ theo quy định. “Tôi cho rằng, những người này không sử dụng ngoại ngữ trong công việc hằng ngày nên họ làm thế, chắc họ không tin có ngày bị phát hiện. Họ tin, họ chỉ là số ít, được bí mật trộn vào lớp học thật nhưng không ngờ “ma” lại nhiều hơn người”, vị chuyên gia này nói.
Theo bà, có những người đủ hoặc thừa các tiêu chuẩn để làm phó giáo sư hay giáo sư, nhưng thiếu tiêu chuẩn ngoại ngữ. Bà cho rằng, đây cũng là mặt trái của mở rộng tự chủ ĐH, khi ý thức, nhận thức, trình độ (bao gồm cả quản lý) chưa theo kịp. Đồng thời cũng là lỗi của hệ thống, khi thị trường lao động trình độ cao (các trường ĐH) vẫn tiêu thụ hàng giả, không căn cứ vào năng lực thực tế. TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, vụ việc tại trường ĐH Đông Đô cho thấy lỗ hổng rất lớn trong quản lý, thậm chí “mở đường cho hươu chạy”.
“Tấm bùa” văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh đang có vai trò rất quan trọng đối với đội ngũ giảng viên các trường ĐH, vì đây là tiêu chuẩn học thạc sĩ, tiến sĩ, làm phó giáo sư, giáo sư. Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có giá trị trong 2 năm còn bằng tốt nghiệp ĐH có giá trị vĩnh cửu.
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong