Trung Quốc trắng trợn tăng cường bồi lấp, cải tạo và xây dựng ở Biển Đông. (Ảnh: AFP)
Trong bối cảnh Hải quân Mỹ và các quốc gia ở châu Á đang tìm cách đối phó với hoạt động xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ quân sự của Trung Quốc trên những hòn đảo tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền, nguy cơ căng thẳng dẫn tới một cuộc xung đột đang đe doạ tới một trong những vùng biển đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu. Thế giới đang đợi chờ phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) về vấn đề này. Tuy nhiên, quyết định sắp tới khó có thể tác động mạnh tới những hành động của Trung Quốc tại vùng biển này, nơi Bắc Kinh đang đặt tham vọng về việc có thể sử dụng làm bàn đạp thực hiện giấc mộng bá quyền từ các khu vực Á - Âu tới châu Phi.
Thời gian qua, Biển Đông đã trở thành trung tâm của sự chú ý của quốc tế. Sau khi trắng trợn cải tạo, bồi lấp từ một rạn san hô nhỏ thành một đảo nhân tạo cỡ lớn, Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở đây các hạ tầng cơ sở với mục đích dân sự và quân sự, qua đó giành lợi thế trong cán cân quân sự với các quốc gia khác đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Tham vọng của Trung Quốc đã khiến nhiều nước trong khu vực bày tỏ lo ngại và buộc phải đưa ra các động thái cứng rắn, trong khi Mỹ dù không tuyên bố ủng hộ bên nào song cũng phản đối yêu sách Bắc Kinh bằng các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, bất chấp sự lên án mạnh mẽ, Trung Quốc đã không hạ nhiệt căng thẳng, mà tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch phục vụ tham vọng thể hiện sức mạnh của nước này, điều làm dấy lên những lo ngại về một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao ở Biển Đông.
Tham vọng thương mại và điểm yếu hải quân
Phân tích mô hình thương mại và đầu tư của Trung Quốc có thể thấy, hai động cơ chủ yếu đang hỗ trợ cho chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh đó là: Tham vọng thương mại và điểm yếu hải quân tương đối của Trung Quốc.
"Đế chế" thương mại ngày càng phát triển của Trung Quốc, được thúc đẩy bằng các thoả thuận thương mại với các nước ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Nam Á, đã cho thấy một mắt xích yếu đó là các đường biên giới biển của Trung Quốc rất dễ bị các cường quốc khác kiểm soát. Điều này dẫn tới việc căng thẳng trong khu vực sẽ chỉ tiếp tục gia tăng, dù nguy cơ dẫn tới cuộc xung đột toàn diện là không cao.
Để củng cố và liên kết các hoạt động thương mại liên tục được mở rộng, Trung Quốc đã thúc đẩy chiến lược "Một vành đai, một con đường". Nếu thành công, chiến lược này sẽ thay đổi cơ bản cán cân quyền lực trên toàn cầu theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, xây dựng đáng kể cơ sở hạ tầng cho thương mại xuyên suốt khu vực Á - Âu và châu Phi với mọi con đường đều dẫn tới Trung Quốc.
Chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc gồm 2 tuyến đường chính. Tuyến đường trên bộ nối Trung Quốc với châu Âu qua những đối tác cổ xưa tại Trung Á và Trung Đông. Tuyến đường còn lại là tuyến đường hàng hải, vốn chạy qua Biển Đông và eo biển Malacca sau đó đi qua Ấn Độ Dương để tới châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ bất ổn an ninh vì phát triển nhanh chóng các hoạt động thương mại. Và kể từ khi Trung Quốc có tiếng nói lớn hơn trên vũ đài chính trị, nước này cảm thấy biên giới biển của mình bị lép vế trước sức mạnh của các cường quốc khác, như Mỹ hay các quốc gia châu Á trong khu vực như Nhật Bản.
Thực tế đó khiến các khoản đầu tư và hoạt động thương mại của Trung Quốc ở nước ngoài dễ bị tổn thương nếu vấp phải sự kiểm soát của các lực lượng hải quân nước khác. Đây chính là vấn đề khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại và đi tới quyết định tập trung liên tục cho quá trình hiện đại hoá và nâng cấp Hải quân nước này. Tại Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra nhiều yêu sách phi lý từ khá lâu.
Tuy nhiên, trước áp lực từ các cường quốc khác, Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn trong quá trình đòi hỏi những yêu sách. Các hoạt động gần đây của Trung Quốc phản ánh sự gia tăng đáng kể đầu tư cho các hòn đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Đây là một phần trong những mưu đồ của Bắc Kinh để thành lập một phòng tuyến kiểm soát ở Biển Đông để theo dõi và bảo vệ các tuyến thương mại mà nước này ngày càng phụ thuộc vào.
Nỗi ám ảnh của Trung Quốc với việc phải xây dựng các "pháo đài" ở Biển Đông đã có "chất xúc tác" bởi nỗi sợ hãi về việc mất kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng của nước này. Do vậy, Trung Quốc ra sức bảo vệ lợi ích bằng việc sử dụng lực lượng hải quân. Trong bối cảnh nước này thúc đẩy dự án đầy tham vọng "Con đường tơ lụa", Bắc Kinh cảm thấy sự cấp bách của việc cần phải bảo đảm rằng các cơ sở hạ tầng được xây dựng sẽ giúp bảo vệ lợi ích thương mại từ Biển Đông tới Djibouti, nơi Trung Quốc lần đầu tiên đặt căn cứ ở nước ngoài.
Thời gian qua, Trung Quốc tiếp tục phát triển các năng lực hải quân của nước này ở Biển Đông, nơi các hoạt động thương mại đi qua vùng biển này có tổng giá trị lên tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trước những động thái của Trung Quốc, các nước trong khu vực đã phải hướng tới Mỹ. Philippines đã ký các thỏa thuận với Hải quân Mỹ, nâng cấp sự hiện diện của đồng minh lâu năm tại các căn cứ hải quân ở quốc gia Đông Nam Á này. Bên cạnh đó, các máy bay chiến đấu Mỹ thường xuyên tiến vào không phận phía trên khu vực Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Vào thời điểm hiện tại, một "cuộc chiến tranh quyết liệt" với Hải quân Mỹ có thể sẽ phá huỷ hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc. Do vậy, ít có khả năng Trung Quốc thực hiện các chiến dịch quân sự để giành quyền kiểm soát các đảo khác tại Biển Đông hay có những động thái gây căng thẳng nghiêm trọng. "Cánh cửa chiến lược" của Trung Quốc tại đây sẽ được tập trung vào việc mở rộng các đảo hiện nắm giữ và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự.
Rõ ràng, những sự kiện gần đây đã ảnh hưởng tới các nỗ lực về cái mà Trung Quốc hay gọi là "trỗi dậy hoà bình", cũng như cam kết về việc cố gắng trở thành một đối tác phát triển tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, bất chấp quan hệ bị sứt mẻ với các nước Đông Nam Á, hay nguy cơ đụng độ quân sự với Mỹ, có rất ít nghi ngờ rằng những rủi ro đó là một cái giá mà Trung Quốc sẵn sàng trả để thiết lập quá trình kiểm soát hiệu quả các tuyến hàng hải quan trọng để "đế chế" thương mại của nước này vượt qua Ấn Độ Dương. Vì vậy, căng thẳng vẫn sẽ âm ỉ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tới khi Trung Quốc có được điều mình muốn ở Biển Đông.
Tác giả bài viết: Ngọc Anh - Theo Diplomat