Giáo dục

Vì sao một số trường tư không còn ở 'chiếu dưới'?

Mùa tuyển sinh vào các trường đại học năm 2019 cho thấy khó khăn không còn nằm hoàn toàn ở các trường ngoài công lập như các năm trước.

Điểm chuẩn nhiều trường cao hơn trường công

Ngày 16.8, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM công bố sẽ không xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo phương thức điểm thi THPT quốc gia; trong khi một số trường công lập, đặc biệt là các trường địa phương vẫn thiếu chỉ tiêu.

Điểm chuẩn nhiều ngành của hai trường này công bố trước đó còn cao hơn điểm chuẩn cùng ngành tại một số trường ĐH công lập. Trong khi nhiều trường công lập lấy điểm chuẩn nhiều ngành 14 - 15 điểm thì các ngành tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dao động từ 16 - 22 điểm. Trong đó, ngành dược học có điểm chuẩn cao nhất với 22 điểm (điểm sàn theo khối sức khỏe của Bộ GD-ĐT là 20), kinh doanh quốc tế 20 điểm (tăng 2 điểm so với điểm sàn xét tuyển), marketing 19 điểm (tăng 3 điểm). Nhiều ngành khác lấy 18 điểm, tăng 1 - 2 điểm so với điểm sàn.

Mức điểm chuẩn các ngành tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM còn cao hơn, từ 17 - 21 điểm. Ngành quan hệ quốc tế có mức điểm chuẩn cao nhất là 21. Các ngành ngôn ngữ Nhật, luật quốc tế có mức điểm chuẩn là 20. Quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Hàn Quốc 19 điểm; các ngành còn lại từ 17 - 18 điểm.

Hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng khá cao. Năm nay, ngành y khoa tại trường này lấy đến 23 điểm, cao hơn điểm sàn khối ngành sức khỏe của Bộ GD-ĐT 2 điểm.
Năm nay, một số ngành của Trường ĐH Văn Hiến thu hút nhiều thí sinh (TS) nên có mức điểm cao khá cao. Cụ thể, mức điểm chuẩn ngành Việt Nam học là 18, ngôn ngữ Pháp là 17,2 và văn hóa học là 17.

Nhiều ý kiến cho rằng mức điểm chuẩn ở các trường ngoài công lập khá cao là do các trường dành nhiều chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác như học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thi riêng… Tuy nhiên, theo đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trường này dành 65% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Tương tự, chỉ tiêu dành cho phương thức này của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM là 70%.

Xã hội thay đổi cách nhìn hay trường quảng bá thương hiệu tốt ?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết thời gian qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đội ngũ giảng viên, nhiều trường ĐH tư thục cũng nghiêm túc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, chú trọng phát triển các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, các hình thức chăm sóc sinh viên. Hơn nữa, hầu hết TS hiện nay có điều kiện tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, đa chiều, đa dạng nên có cái nhìn khách quan hơn, không còn quá quan trọng công lập hay ngoài công lập, mà xem xét môi trường học tập phù hợp để quyết định lựa chọn trường học.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định năm nay một số trường tư thục (ảnh) rất khởi sắc trong tuyển sinh. Thứ nhất là điểm chuẩn cao, thứ hai là tuyển đủ, không xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hệ thống ĐH tư thục vì đã tạo được uy tín nhất định.

Theo ông Nghĩa, các trường này thành công trong tuyển sinh là vì thực hiện tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, quảng bá thương hiệu rất tốt, đưa hình ảnh, thông tin của trường đến với TS. Đó là quá trình nhiều năm các trường dày công vừa quảng bá thương hiệu, hình ảnh, đồng thời nâng cao chất lượng. Những trường ít tham gia tư vấn thì tuyển được không nhiều. Nếu không có TS đăng ký thì sẽ không có TS xét tuyển. Đó là hệ quả khiến nhiều trường ĐH đưa ra điểm sàn thấp, điểm chuẩn cũng thấp vì không có nguồn TS đăng ký xét tuyển.

Tác giả: Đăng Nguyên

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP