|
Khó khăn nguồn thí sinh đầu vào
Bước vào mùa tuyển sinh 2023, TS.Lê Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường trung cấp Đại Việt Tp.HCM băn khoăn, đã có một thời, trường tuyển sinh 5.000 học sinh/năm, nhưng từ năm 2017 trở về đây tuyển sinh rất khó khăn, đặc biệt năm 2022 trường chưa có học sinh nào.
Không chỉ trường trung cấp, hệ trung cấp trong Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cũng không tuyển được học sinh nào.
Hiệu trưởng một trường trung cấp tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM cũng cho hay, trước thời điểm năm học 2016-2017, mỗi năm trường tuyển trên 1.000 học sinh, nhưng sau thời điểm này tuyển sinh ngày càng khó.
2 năm qua, mỗi năm trường chỉ tuyển được 20-30 em, năm nay chưa nhận được học sinh nào.
“Học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương hiện nay hầu như không chọn học trung cấp nên các trường chỉ trông chờ vào học sinh tốt nghiệp THCS chuyển hướng học nghề, nhưng nguồn tuyển quá ít ỏi.
Trong lúc tìm hướng đi mới, hằng năm trường phải bù lỗ để duy trì hoạt động cầm chừng”, vị Hiệu trưởng này nói.
Đào tạo kỹ năng dịch vụ nhà hàng - khách sạn tại Trường Trung cấp Việt Giao. |
Còn TS. Nguyễn Hoàng Chương, Ủy viên HĐQT Trường Trung cấp Việt Giao phân tích, có 3 khó khăn chính cản trở học sinh đến với trường nghề là chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH quá nhiều, quan niệm coi trọng bằng cấp của phụ huynh và "tâm lý kỳ thị" của các trường THPT, THCS.
“Hiện các trường phổ thông thấy có trường đại học đến tư vấn tuyển sinh thì niềm nở mời vào, còn trường trung cấp đến thì bị từ chối ngay từ cổng. Phụ huynh thì vẫn nặng tâm lý muốn con em mình có được tấm bằng tốt nghiệp đại học, không muốn cho con đi học nghề. Các phụ huynh đều nghĩ chỉ có học sinh yếu mới phải đi học trung cấp, học nghề”, ông Chương chỉ ra.
Đó là chưa kể đến việc các trường đại học đang hạ thấp chuẩn đầu vào, cố "vét người học", thậm chí tuyển sinh dễ đến mức chỉ xét tuyển học bạ nên học sinh có cơ hội lao vào cổng trường ĐH ngày một nhiều hơn.
Một nhóm đối tượng tuyển sinh chính của các trường trung cấp là học sinh tốt nghiệp THCS cũng đang bị các trường cao đẳng cạnh tranh gay gắt với chương trình 9+. Các em học xong lớp 9 vẫn thích chương trình 9+ của cao đẳng hơn là vào trường trung cấp.
Chính vì vậy mà các trường trung cấp phải chuyển hướng sang cạnh tranh với trường đại học để tuyển sinh nhóm học sinh tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, ông Chương gửi gắm, các trường nghề phải đẩy mạnh nhận thức học nghề nói chung trước khi giới thiệu về trường mình. Đừng sợ người học chọn những cơ sở đào tạo nghề khác.
“Yêu cầu xã hội đặt ra là phải tăng nhanh số lượng lao động có tay nghề, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý giữa đại học và giáo dục nghề nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, một mình ngành giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề không thể làm được mà đòi hỏi phải có sự nhận thức, vào cuộc của cả xã hội”, ông Chương đề đạt.
Trường nghề phải không ngừng đổi mới
Thừa nhận tình trạng này, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ,TB&XH Tp.HCM, cho biết, kết quả tuyển sinh năm 2022, bậc cao đẳng và đào tạo nghề ngắn hạn tuyển sinh tốt nhưng bậc trung cấp chỉ tuyển được trên 60% chỉ tiêu để ra. Nhiều trường rơi vào thế vô cùng khó khăn vì không tuyển sinh được.
Ông Sự cho rằng, trường trung cấp gặp khó trong tuyển sinh đã diễn ra trong nhiều năm qua. Thực tế cho thấy, chỉ có số ít các trường tuyển sinh tốt, còn lại tuyển không đạt chỉ tiêu đề ra, thậm chí có trường không tuyển được học sinh nào.
Đánh giá thêm, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Tp.HCM cho rằng, kết quả tuyển sinh trình độ trung cấp không đạt chỉ tiêu từ năm 2019 đến nay, một phần do ảnh hưởng từ chính sách tuyển sinh trình độ đại học và một phần trong đó có nguyên nhân xuất phát từ chính uy tín của mỗi trường trung cấp khi chất lượng đào tạo, điều kiện học tập chưa đảm bảo hoặc chưa thu hút người học.
Thêm nữa, công tác số hóa, chuyển đổi số chưa được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm thực hiện đầy đủ; chưa phát huy vai trò mạnh mẽ của thư viện điện tử, môi trường học tập trên nền tảng Internet.
Hay công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự chủ động triển khai. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác tự đánh giá- kiểm định chất lượng đào tạo.
“Nhiều trường trung cấp những năm qua tuyển sinh giảm sút nên cũng không muốn đầu tư thêm từ chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất… Điều này vô tình khiến học sinh cũng không muốn vào học, thậm chí có em vào học xong thấy nản rồi bỏ học. Vì vậy, để tuyển sinh được thì nhất thiết trường trung cấp phải được đầu tư tốt cho các điều kiện đảm bảo chất lượng và chăm sóc người học thật tốt”, ông Lâm đề nghị.
Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM chia sẻ, thị trường lao động vẫn có chỗ cho lực lượng lao động ở những trình độ khác nhau.
Do đó, các trường cần khảo sát nhu cầu thị trường lao động những ngành, nghề không còn phù hợp thực tiễn, đồng thời rà soát quy mô tuyển sinh tất cả các ngành, nghề tạo tại trường; ngừng tuyển sinh những ngành, nghề không tuyển sinh được trong thời gian 3 năm qua.
Một giải pháp nữa là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động nắm bắt dự báo nhu cầu nhân lực, giới thiệu việc làm để chủ động dự báo trong hướng nghiệp – giải quyết việc làm; theo dõi quá trình, kết quả học tập của học sinh tới khi ra trường và cập nhật thông tin khi có việc làm.
Tác giả: Nguyễn Thành Nhân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn