Pháp luật

Về "vụ án ma túy kinh điển" Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường (Kỳ 8)

Vụ án ma túy lớn nhất từ trước tới nay đã kết thúc. Những kẻ phạm tội đã nhận hình phạt xứng đáng. Và qua vụ án này, nhân dân đã thấy rằng lực lượng công an quả thật là đã rất nghiêm khắc với chính bản thân mình.

Kỳ 8:Vụ án chiếc bình xăng hai đáy và những điều không thể nói

Kể từ khi bà Lâm mua chiếc xe bán hóa giá về và làm thủ tục sang tên đổi chủ, có một điều mà anh lái xe luôn thắc mắc nhưng không dám nói - đó là việc chiếc xe chóng hết xăng nhưng mỗi lần đổ chỉ được hơn hai chục lít là đã đầy phè. Anh ta phán đoán và cho rằng đồng hồ đo xăng đã bị hỏng và cũng không quan tâm tới chuyện đó. Tuy nhiên, chỉ có điều là chiếc xe không đem lại may mắn cho bà chủ trong các phi vụ làm ăn. Cách lý giải đơn giản nhất là chiếc xe đó “dữ vía”.

Nghe thì cũng có lý vì chàng Xiêng Phêng, chủ nhân cũ của nó đã chịu án “dựa cột”. Vì thế, bà Lâm tìm cách bán chiếc xe Toyota. Một hôm có hai tay thanh niên đén hỏi mua xe. Họ xem máy móc thì qua loa nhưng lại quan tâm đến gầm bệ xe. Thậm chí ngại bẩn thỉu, họ chui vào vào gầm xe và xem rất kỹ chiếc thùng xăng. Thế rồi họ cảm ơn bà Lâm và ra về với lời hứa sẽ mua chiếc xe, tuy giá cả có hơi cao những cũng chấp nhận được. Bà Lâm thì chỉ mong bán được xe chứ có biết đâu rằng sau khi họ đi, chiếc xe đã được theo dõi cực kỳ chặt chẽ.

Sáng ngày 30-11-1996. Tại trại giam ở vùng núi phía tây Hà Nội, mới hơn 7giờ sáng, Xiêng Phêng đã nghe thấy tiếng ôtô quen thuộc. Đó là tiếng chiếc xe U-oát của Phòng Cảnh sát Điều tra (CSĐT). Và chỉ nghe tiếng xe là Xiêng Phêng biết ai sẽ lên hỏi cung mình hôm nay hoặc hỏi những người khác mà cũng chẳng riêng gì hắn, Khăm Chăn cũng biết như vậy. Nếu là xe Land Cruser, thì người hỏi chúng sẽ là Trưởng, Phó phòng CSĐT hoặc các ông trong Ban Giám đốc. Còn nếu là xe U-oát thì lại những gương mặt quá đỗi thân quen với chúng.

Xiêng Phêng được gọi lên buồng hỏi cung. Trời rét như cắt. Y mặc thêm chiếc áo bông mà vẫn thấy run. Bên ngoài, sương mù trắng như sữa bao trùm núi đồi.

Cuộc hỏi cung bắt đầu như thường lệ. Đầu tiên là cán bộ điều tra hỏi thăm sức khỏe của hắn, mời hắn hút thuốc, uống nước chè; có hôm lại có cả cà phê và nói chuyện phiếm. Hôm nay, họ hỏi y về chuyện những đàn voi ở Lào ra uống nước song Mê Kông. Y hào hứng tả cho họ nghe, rồi họ hỏi y về tình hình buôn bán ma túy bên Lào ra sao. Bỗng một người hỏi y:

- Anh Xiêng Phêng này, cái lần sang Việt Nam cuối năm trước, ngoài số hêrôin mà công an thu được, trước đó anh có bán cho ai nữa không?

Điếu thuốc lá trên tay Phêng rơi xuống đất. Y vội cúi xuống nhặt và cũng là để tránh ánh mắt nhìn như xoáy của anh CSĐT. Rồi không chờ y trả lời, anh nói thủng thẳng:

- Số đó có 23,5 cặp, có đúng không?

Xiêng Phêng há hốc mồm. Mồ hôi túa ra trên bộ mặt tròn của hắn. Cũng chẳng cần hắn nói, anh đưa cho hắn cây bút và tờ giấy:

- Bán cho ai thì cứ viết ra đây. Tiếng Lào cũng được.

- Thưa cán bộ…tôi…tôi không kịp bán!

- Đúng rồi, giấu trong xe chứ gì?

Cây bút trong tay y rơi xuống và y cũng lảo đảo. Ngồi trên ghế mà y xuýt ngã. Lưỡi y như bị co lại, tay chân y run lẩy bẩy. Có lẽ đến nửa giờ sau y mới hoàn hồn và lý nhí nói:

- Cán bộ biết hết rồi, tôi xin nói thật. Chúng tôi mang sang 45 cặp. Trong đó, giấu ở thùng xăng 23,5 cặp.

- Ngoài anh ra có ai biết rằng anh giấu hêrôin ở đó không?

- Không ạ.

- Thật chứ?

- Dạ, có vợ tôi biết ạ.

- Vợ anh thì phải biết là lẽ đương nhiên, có còn ai nữa không?

Lặng đi một lúc lâu, Xiêng Phêng thốt lên:

- Thế là chết cả rồi, anh Trường ơi!

***

Mất gần hết buối sáng, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo liên ngành gồm Công an - Tòa án - Viện Kiểm sát - Ban Nội chính Trung Ương nghe Ban Chuyên án báo cáo về việc Xiêng Phêng giấu hêrôin trong thùng xăng hai ngăn, và những thủ đoạn của Vũ Xuân Trường, Vũ Hữu Chỉnh lập kế hoạch trinh sát giả, đem chiếc xe ra khỏi sự kiểm soát của đơn vị và chiếm đoạt số hêrôin đó. Các Điều tra viên cũng đưa các lời khai của Vũ ThườngKiệt, Nguyễn Thị Lụa về việc Trường, Chỉnh đã tháo chiếc bình xăng như thế nào.

Ban Chỉ đạo liên ngành đồng ý cho bắt Vũ Hữu Chỉnh và lệnh bắt khám xét được thực hiện vào ngày 9-12. Trong tủ của Chỉnh, anh em thu được một bản báo cáo của Chỉnh từ tháng 3-1994. Báo cáo đó nói về một đường dây buôn bán ma túy do Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe cầm đầu và các đối tượng tiêu thụ có Lại Thị Ngấn, Tạ Thị Hiền… Ôi, giá như Chỉnh báo cáo việc đó lên các cấp lãnh đạo từ ngày ấy thì làm gì có cái hậu quả tai hại như ngày hôm nay (!)

Ngày đầu tiên, Vũ Hữu Chỉn dứt khoát không khai nhận. Nhưng đến lúc nhìn thấy chiếc xe ôtô được đưa về 55 Lý Thường Kiệt và anh em tháo chiếc thùng xăng hai ngăn ra thì Chỉnh biết mình không còn lối thoát. Chỉnh khai lúc đầu khá thành khẩn. Nhưng rồi sự “thành khẩn” đến quá mức của Chỉnh khiến anh em phải cảnh giác. Và đúng như Ban Chuyên án nhận định, Chỉnh khai vấy, khai có tính chất tung hỏa mù hòng làm cho anh em mất phương hướng. Thậm chí, Chỉnh còn lôi một số người khác vào cuộc với ý đồ giảm tội của mình.

Bắt Chỉnh xong, tiếp theo là bắt Đỗ Tuấn Anh, Vũ Bản, Lê Văn Quân… Và sóng gió bắt đầu nổi lên từ đây. Nếu như việc bắt Vũ Xuân Trường được nhiều người hoan nghênh và công khai ủng hộ thì đến bây giờ, mọi sự có chiều phức tạp theo nhiều ngả.

Không hiểu từ đâu bung ra một loạt những tin thất thiệt. Nào là Công an Hà Nội “trả đũa” về việc C16 bắt hai lính của PC16 Hà Nội có liên quan trong vụ Khánh “trắng”. Rồi thái độ của CSĐT Công an Hà Nội là “ngông nghênh”…. Vân vân và vân vân.

Những thái độ đó, những dư luận đó đã như những quả tạ đè nặng lên anh em điều tra. Trong khi ấy, cuộc chiến đấu với bọn tội phạm ngày càng quyết liệt và căng thẳng. Tuy không có tiếng súng nổ, không có máu chảy nhưng sự quyết liệt lại ẩn náu trong từng lời khai, trong từng dòng chữ. Khó khăn, nguy hiểm đến với CSĐT bằng mọi nẻo đường, một số CSĐT bắt đầu tính đến chuyện xin ra khỏi Ban Chuyên án. Và cũng bắt đầu có những ý kiến bàn lui rằng: Công đâu thì chưa thấy nhưng một số CBCS trong Ban Chuyên án thì mất bạn bè, gia đình thì lo lắng vì sợ trả thù... Thôi, tên nào đã xong thì đưa ra truy tố, còn kẻ nào chưa rõ hết thì cắt lại.

Trong quá trình điều tra vụ án, đúng là có những tình huống trớ trêu đến bi kịch. Một đồng chí điều tra viên là bạn học cùng lớp tại chức với Vũ Xuân Trường. Họ đã ngồi cùng bàn với nhau. Nay được phân công hỏi cung Trường. Từ chối thì không được vì anh là cán bộ hỏi cung có kinh nghiệm và đó là nhiệm vụ của người chiến sĩ công an. Nhưng nhận nhiệm vụ thì day dứt đến mất ăn mất ngủ. Rồi cũng vẫn phải hỏi, vẫn phải đấu lý với Trường từng chi tiết. Mỗi buổi hỏi cung chỉ có vài ba tiếng mà tưởng như dài cả năm. Có bận, Trường ký bản cung xong bèn nói: “Ông học dốt hơn tôi mà sao ông hỏi khiếp thế” (!)

Hiểu rõ những khó khăn mà lực lượng điều tra đang phải gánh chịu, các đồng chí Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Lãnh đạo Công an thành phố đã động viên anh em cố gắng vượt qua lúc khó khăn này, trước mắt phải tập trung bóc gỡ tất cả các đối tượng trong đường dây. Quả thực khi ấy, không thể nào lên diễn đàn hội nghị mà trình bày những sự thực của vụ án, không thể giải thích cho toàn lực lượng và quần chúng hiểu rằng vì sao phải bắt, vì sao phải khám và vì sao phải bảo vệ đối tượng đến mức chưa từng có như vậy. Chỉ có các đồng chí biết tường tận về tính chất đặc biệt nguy hiểm của vụ án mới thông cảm được cho anh em.

Có một điều chắc chắn là nếu Lãnh đạo Bộ Nội vụ giao vụ án này cho các đơn vị khác, để hoàn thành nhiệm vụ, họ cũng không thể có cách lựa chọn nào khác. Trong chuyên án này, một nguyên nhân hết sức quan trọng dẫn đến thắng lợi là các lực lượng điều tra được sự giúp đỡ, phối hợp nhịp nhàng, và đầy tinh thần đồng chí của các lực lượng nghiệp vụ thuộc Bộ Nội vụ, An ninh Quân đội, Cục Điều tra Hình sự Quân đội, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Bộ Tư lệnh Biên phòng. Hiểu rõ tính chất nguy hiểm của loại tội phạm buôn bán ma túy và sự phức tạp của vụ án, các lực lượng trên đã tạo điều kiện cho anh em thực hiện nhiệm vụ. Cho đến nay, anh em trong Ban Chuyên án vẫn không quên những lần đi bắt Bùi Danh Ca, Trần Ngọc Dương, Nguyễn Trọng Tuấn là cán bộ Đồ biên phòng Tây Trang.

Sau khi có đủ chứng cứ về những hành vi phạm tội của Bùi Danh Ca, Ban Chuyên án quyết định bắt. Do tính chất đặc biệt của vụ án, trong đó yêu cầu đảm bảo bí mật là trên hết cho nên không thể đi theo cách thông thường là gửi công văn đi xin ý kiến các đơn vị chủ quản. Làm như vậy vẫn không đảm bảo thời gian mà nhỡ thông tin rò rỉ, Ca trốn mất hay có thời gian đối phó thì hỏng hết. Một mắt xích bị đứt có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả điều tra. Vì vậy, khi biết tin Ca về quê, ngay trong đêm, Viện Kiểm sát Hà Nội ký lệnh bắt khẩn cấp Bùi Danh Ca. Không ngại đêm hôm mưa gió, một tổ công tác gồm 5 đồng chí lên đường. Đến bến phà Tân Đệ, xe bị nổ bánh trước, xuýt nữa thì lao xuống ruộng

Chưa kịp báo cáo đến chỉ huy đơn vị Ca thì liên tiếp, Lãnh đạo Công an Hà Nội nhận được những lời phê bình gay gắt, cho rằng đó là sự lạm quyền, vi phạm luật tố tụng. Ban Chuyên án chưa kịp giải trình thì Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam đã dành thời gian nghe Giám đốc Công an Hà Nội và Trưởng Phòng CSĐT báo cáo toàn bộ vụ án. Đồng chí biểu dương Công an Hà Nội đã nêu cao tinh thần tiến công chống tội phạm và đồng tình với những biện pháp mà anh em đã làm. Ngay sau đó, đồng chí đã chỉ thị cho Viện Kiểm sát Quân sự tước quân tịch Bùi Danh Ca và yêu cầu Viện Kiểm sát cử cán bộ tham gia vào Ban Chuyên án. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ này mà công việc tiếp theo được thuận lợi hơn nhiều.

Vụ án ma túy lớn nhất từ trước tới nay đã kết thúc. Những kẻ phạm tội đã nhận hình phạt xứng đáng. Và qua vụ án này, nhân dân đã thấy rằng lực lượng công an quả thật là đã rất nghiêm khắc với chính bản thân mình.

(Xem tiếp kỳ sau)

Tác giả: Nguyễn Như Phong

Nguồn tin: petrotimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP