Nỗi cô đơn của "hoa hậu" Nguyễn Thị Hoa
Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, 21 bị cáo được dẫn đến tòa vào lúc 6 giờ 30 phút và cách ly ngay. Sau khi xét xử sơ thẩm, chỉ có ba bị cáo là hoàn toàn mãn nguyện với bản án và không làm đơn chống án. Đó là Vũ Hữu Chỉnh, Xiêng Khăm Chăn và Phạm Văn Tài. Chỉnh là người am hiểu luật pháp cho nên biết rõ rằng việc tòa sơ thẩm kết án hắn tù chung thân có lẽ là sự chiếu cố ghê gớm, Xiêng Khăm Chăn cũng vậy, còn Phạm Văn Tài kẻ “vô duyên” nhất trong vụ án là thở phào nhẹ nhõm. Nhưng trong phiên tòa này, Vũ Hữu Chỉnh và Xiêng Khăm Chăn phải có mặt.
Xiêng Phêng xuống ô tô đi với vẻ nhanh nhẹn. Hắn luôn mỉm cười và còn chào rất to khi gặp các cán bộ điều tra mà hắn đã quen. Trước đó, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ Võ Thái Hòa đã có một cuộc họp với Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát Điều tra. Tại cuộc họp này, các đồng chí đã xem xét lại toàn bộ tài liệu về Xiêng Phêng và khẳng định rằng: Xiêng Phêng là kẻ chủ mưu đã đưa vào đất nước ta 50kg hêrôin. Tội lỗi của y cực kỳ nguy hiểm. Nhưng những lời khai của y cũng đã góp phần quan trọng vào việc phá vụ án này. Và giả sử nếu như nhóm Trường - Chỉnh - Tuấn Anh - Xe… tồn tại vài ba năm nữa thì tác hại của chúng sẽ khủng khiếp đến nhường nào. Bản báo cáo về “công” và tội của Xiêng Phêng đã được trình lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh xem xét.
Còn Nguyễn Thị Hoa đi phải có người dìu. Thị ốm yếu thực sự, nên gầy và xanh xao. Hoa bị ốm ngay sau phiên tòa sơ thẩm. Hoàn cảnh của thị thật đáng buồn. Bị kết án nặng đã đành nhưng họ hàng, chồng con, bạn bà thân thích đã không còn ai nhớ tới thị. Bằng chứng là thị Hoa không nhận được một lần đồ tiếp tế. Người đàn bà đẹp khi còn sắc nước và lắm tiền đã có biết bao kẻ thèm muốn ở đời thì nay trong tù thật trống vắng, đơn côi… thị ốm cũng là phải! Gần một tháng rồi, thị toàn phải ăn cháo. Các bị cáo vẫn ăn theo tiêu chuẩn “đặc biệt” là 10.400 đồng/ngày, kể từ khi phiên tòa sơ thẩm bắt đầu. Có lẽ sự cô đơn trong tù làm cho Hoa thêm buồn phiền và căn bệnh bazêđô có đất phát triển. Hầu như ngày nào bác sĩ của trại tạm giam cũng phải tiêm thuốc cho thị.
Bùi Danh Ca cũng bị ốm, Ca và Nguyễn Trọng Thắng, Dương Ngọc Thắng, Đỗ Tuấn Anh… nói với các luật sư của mình là không hiểu tại sao chúng khai báo thật thành khẩn mà trong kết luận của Tòa lại không hề nhắc tới. Tội thì đúng rồi, nhưng cứ theo như kết luận của Tòa sơ thẩm thì chúng toàn là những kẻ ngoan cố, khai báo loanh quanh, giống như bọn Lại Thị Ngấn, Tạ Thị Hiển. Đấy là điều không công bằng và chúng muốn phiên tòa phúc thẩm lần này sẽ “sửa sai” điều đó.
Vũ Xuân Trường tính nết vẫn như trước - thoắt “nắng”, thoắt “mưa”. Đang vui vẻ và tâm sự rằng, nếu được chết sớm thì “nhất”, hắn chợt thay đổi và chửi rủa Đào Xuân Xe, Vũ Hữu Chỉnh. Chẳng hiểu sao hắn căm thủ Vũ Hữu Chỉnh đến tột độ. Không mấy đêm là hắn không gọi “têlêphôn” chửi Chỉnh. Trong nhà giam có hai cách gọi điện thoại. Cách thứ nhất là từ buồng này chúng chuyền sang buồng khác sợi chỉ. Sau đó chúng buộc vào ống bơ sữa và nói chuyện với nhau. Cách này chỉ có thể làm được với điều kiện là ở phòng giam chung. Còn Chỉnh và Trường thì đều ở những buồng giam mà “không có điều kiện nối mạng thông tin hữu tuyến”, cho nên Trường phải dùng “thông tin di động” - Nghĩa là chửi thật to, gào thật lực cho Chỉnh nghe thấy. Hắn cho rằng nếu Chỉnh đừng khai báo thì đâu có đến nỗi này. Vũ Xuân Trường thật nhầm, Chỉnh cũng chỉ là một boong-ke khá chắc chắn. Và thường là chúng chỉ nhận tội khi cơ quan điều tra có đủ chứng cứ. Thỉnh thoảng, Trường lại trở chứng bằng cách bỏ ăn hay tìm cách tự sát.
Nhìn anh em dẫn giải Trường, tôi chợt thấy như vắng ai đó. Đúng rồi, lần xét xử trước, đi kèm Trường là một đồng chí cảnh sát có người chắc, đậm… Tôi còn chụp được bức ảnh anh nhấc bổng Trường lên khi hắn không chịu đi. Tôi hỏi một đồng chí cán bộ của trại về sự vắng mặt của anh, đồng chí ngậm ngùi:
Đó là Trịnh Đình Hùng, Đội phó Đội Cảnh sát bảo vệ của trại tạm giam, anh mới mất hôm 12, do đứt mạch máu não.
Trời thật bất công. Người tốt thì chả cho sống, còn kẻ đáng chết thì cứ… nhơn nhơn.
(Xem tiếp kỳ sau)
Tác giả: Nguyễn Như Phong
Nguồn tin: petrotimes.vn