Tọa lạc tại số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 20km, có một ngôi chùa ẩn mình trên ngọn đồi phía tây sông Đồng Nai. Tòa kiến trúc lộng lẫy được gọi chùa Bửu Long còn có tên chính thức là thiền viện Tổ Đình Bửu Long.
Chùa Bửu Long cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tầm 20km. (Ảnh: catalin_chitu_22_photography) |
Trước đây, ngôi chùa vốn là một tịnh thất nhỏ được xây dựng vào năm 1942, đến năm 1958 chính thức được dâng cúng cho các vị chư tăng. Sau nhiều lần mở rộng quy mô, trùng tu và tôn tạo, đến năm 2007 chùa Bửu Long cơ bản hoàn thiện.
Ngôi chùa được xây dựng giao thoa giữa kiến trúc triều Nguyễn và Phật giáo Nam tông. (Ảnh: haionthego) |
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến chùa Bửu Long đó chính là kiến trúc lộng lẫy giao thoa giữa phong cách triều Nguyễn và Phật giáo Nam tông ở Đông Nam Á. Từng công trình tại đây đều được xây dựng kỳ công, chạm trổ cầu kỳ với tông trắng chủ đạo và điểm nhấn là sắc vàng uy nghi, nghiêm trang.
Trắng và vàng là hai màu sắc chủ đạo ở chùa Bửu Long. (Ảnh: tanleimages) |
Cũng bởi kiến trúc mang dáng dấp của những nơi tu tập ở xứ Chùa Vàng, nên chùa Bửu Long còn được người dân gọi với cái tên khác là chùa Thái Lan. Dẫu vậy, các họa tiết chạm trổ tượng rồng trong các công trình ở chùa vẫn thể hiện được dấu ấn văn hóa Việt rõ nét.
Họa tiết rồng được chạm trổ tỉ mỉ trong các công trình. (Ảnh: benghiane_2810) |
Khuôn viên chùa được bao quanh bởi không gian xanh mát của những hàng cây thẳng tắp, cùng hồ nước hình bán nguyệt quanh năm xanh như ngọc ở trung tâm. Vào những ngày trời trong, tĩnh lặng, bóng ngôi chùa soi xuống mặt hồ tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Khuôn viên chùa ngập trong sắc xanh của cây cối. (Ảnh: lananhluong1992) |
Hồ nước màu ngọc bích tuyệt đẹp ở giữa sân. (Ảnh: phucle1204) |
Ngôi chùa bao gồm các khu vực chính: chánh điện, tăng xá, trai đường, khách đường, tổ đường, thiền thất của chư Tăng, ni viện, ni xá và am thất của Tu nữ, tịnh nhân.
Một trong những công trình đặc biệt ấn tượng ở chùa Bửu Long là ngọn bảo tháp Gotama Cetiya. Ngọn tháp được phủ bởi màu trắng với đỉnh chóp sơn màu vàng rực rỡ vươn cao giữa trời xanh thẳm. Với chiều cao 56m và sức chứa đến 2000 người, Gotama Cetiya còn được mệnh danh là bảo tháp lớn nhất Việt Nam.
Tòa tháp vươn mình nổi bật giữa những rặng cây. (Ảnh: benz.mind) |
Với vị trí nằm khá biệt lập và cách xa khu dân cư, chùa Bửu Long không chỉ là địa điểm lý tưởng để chiêm bái, cầu nguyện mà còn là nơi để người dân tận hưởng sự thanh bình và không khí trong lành ở ngoại ô thành phố.
Khách đến không cần đem theo nhang đèn mà chỉ cần thành tâm lễ Phật, đó cũng là lý do chùa Bửu Long còn được mệnh danh là “ngôi chùa không nhang khói”.
Chùa Bửu Long cũng là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm check-in. (Ảnh: thao.pham.2152) |
Tác giả: CERSEI (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VTC News