Bản Na Ngân nằm ở vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Bản người Thái có 148 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Từ trung tâm xã Nga My (huyện Tương Dương) để vào bản Na Ngân chỉ khoảng hơn 20 km, tuy nhiên, để đến được đây, phải hơn 30 lần vượt qua khe Ngân cùng những quãng đường đất đá hiểm trở. Ảnh: Hồ Phương |
Vào những ngày nước xuống, có thể lưu thông được bằng xe máy, một người dân bình thường mất chừng 2 giờ đồng hồ để ra đến trung tâm xã. Do hai bên đường là núi cao nên hầu hết phải đi dưới suối, vào mùa mưa, nước của dòng Nậm Ngân lên cao. Vào những ngày đó, toàn bộ bản Na Ngân bị cô lập hoàn toàn. Ảnh: Hồ Phương |
Những năm mùa mưa kéo dài, cả bản Na Ngân bị cô lập hàng tháng trời, người dân không có lương thực, thực phẩm. “Những ngày đó mọi thức ăn thức uống đều hết, mì tôm quý như vàng” - một người dân cho biết. Ảnh: Hồ Phương |
Lượng nước của dòng Nậm Ngân khá lớn, mặc dầu là mùa nước cạn dòng khe vẫn sâu, gây rất nhiều khó khăn cho người đi đường. Những chiếc xe máy của người dân bản Na Ngân có tuổi thọ rất ngắn. Khi mua về, người dân phải nhờ đến những người thợ chế lại một số bộ phận như vòi nhớ, lọc gió… để phù hợp với việc đi đường khe suối sâu. Ảnh: Hồ Phương |
Phương tiện của nhiều người đi đường bị nước ngập sâu, gây chết máy phải dốc xe lên mới có thể tiếp tục đi tiếp được. Ảnh: Hồ Phương |
Với những người phụ nữ, chuyện rơi đồ, mất giày dép xảy ra như cơm bữa. Ảnh: Hồ Phương |
Nhiều người "chạy" hàng, bán rong việc bị ngã giữa suối, hàng hóa ướt và bị hư hỏng cũng thường xuyên xảy ra. Ảnh: Hồ Phương |
Đối với những đoạn suối sâu, người dân bản tự ra đóng bè để làm dịch vụ chở người qua suối. Mỗi 1 chiếc xe máy qua sông phải trả 5.000 đồng. Ảnh: Hồ Phương |
Người dân Na Ngân cho biết, họ mong có một con đường để đi lại. “Nhiều trường hợp bị ốm đau, cần cấp cứu phải mất hàng giờ đồng hồ gánh từ bản ra QL 48C rồi mới đón xe đến bệnh viện. Có những trường hợp không kịp cứu chữa” - một người dân cho biết. Ảnh: Hồ Phương |
Tác giả: Hồ Phương
Nguồn tin: Báo Nghệ An