Trong tỉnh

Ủy ban Dân tộc triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025

Sáng 30/12, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị do đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ chủ trì. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn cùng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng

Trong năm 2024, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện; Nhân dân và cộng đồng xã hội cả nước quan tâm, theo dõi, tạo động lực quan trọng trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc (CSDT), sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả về công tác dân tộc, nhất là công tác giảm nghèo cho đồng bào các DTTS. Đặc biệt, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các CSDT, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). DTTS&MN. Việc theo dõi, đôn đốc công tác triển khai 03 chương trình MTQG được Chính phủ đưa vào các chương trình họp và Nghị quyết phiên họp thường kỳ hằng tháng. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc các Bộ, cơ quan chủ quản Chương trình, chủ dự án trả lời kiến nghị, đề xuất của các địa phương và Bộ, ngành; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ về đẩy nhanh vốn đầu tư công và thực hiện các Chương trình MTQG.

Đại biểu các Sở, ngành và Ủy ban Dân tộc tỉnh tham dự hội nghị

Ủy ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các các Bộ, ngành, địa phương tạo đồng thuận cao trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và các CSDT trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025. Hệ thống CSDT được ban hành khá đầy đủ, toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS&MN và thường xuyên được quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung thống nhất về cơ chế quản lý, tập trung nguồn lực, khắc phục tình trạng trùng lắp; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; ưu tiên tập trung đầu tư đối với địa bàn đặc biệt khó khăn. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng. Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Việc kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được chú trọng, nâng lên.

Các Bộ, ngành Trung ương đã tích cực, chủ động với trách nhiệm cao nhất cùng vào cuộc trong chỉ đạo điều hành thực hiện công tác dân tộc và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền các địa phương bám sát và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn của các Bộ, ngành chỉ đạo tổ chức triển khai các CSDT trên địa bàn, bước đầu đạt được kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc và các CSDT đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt của vùng đồng bào DTTS&MN. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS&MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Tại Hội nghị, cùng với việc báo cáo kết quả đạt được, lãnh đạo các địa phương cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong thực hiện CSDT và công tác dân tộc, nhất là trong thực hiện giải ngân các Chương trình MTQG, thực hiện công tác giảm nghèo. Các địa phương đề nghị Trung ương quan tâm mở rộng đối tượng ưu tiên được hỗ trợ chính sách; quan tâm đến vấn đề nước sạch; lựa chọn để triển khai những dự án thật sự trọng tâm, trọng điểm để mang lại hiệu quả thực chất, tránh tình trạng đầu tư thực hiện nhiều dự án nhỏ lẻ, manh mún làm dàn trải nguồn lực.

Tập trung thực hiện phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh công tác dân tộc và thực hiện CSDT có vai trò rất quan trọng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội nghị và bày bỏ vui mừng trước những kết quả toàn diện đạt được trong thực hiện công tác dân tộc và CSDT. Bức tranh chung về đời sống của đồng bào DTTS có nhiều điểm sáng. Kết quả này được phản ánh trên các chỉ tiêu lớn về tăng trưởng kinh tế, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế, nhất là mô hình du lịch kết hợp với các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc; hàng nghìn công trình hạ tầng được xây dựng; công tác giáo dục, đào tạo việc làm...

Với những nội dung công việc đã đề ra nhưng chưa được hoàn thành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Dân tộc cần tập trung thực hiện. Chia sẻ khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MT khi thực tiễn thì phong phú, hướng dẫn chưa kịp thời bởi vậy cần phải lưu ý nghiên cứu để có những đề xuất sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng vướng mắc kéo dài ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Giải ngân các Chương trình MTQG còn chậm. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là đội ngũ trực tiếp triển khai thực hiện chính sách dân tộc năng lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phối hợp thực hiện chính sách dân tộc của các Bộ, ngành thực tế vẫn có lúc, có nơi chưa “đều tay”, chưa đặt đúng tầm quan trọng của công tác dân tộc, chính sách dân tộc để dành sự quan tâm thực hiện.

Về nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Ủy ban Dân tộc cần xác định lại quyết tâm chính trị thật là tốt bởi công tác dân tộc và nguồn lực dành cho thực hiện chính sách dân tộc được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm, bố trí kịp thời.

Đồng thời, bám sát các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các Chương trình MTQG nhất là trong năm 2025 phải hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo; tổng kết giai đoạn 1 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MT và chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030.

Thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ủy ban Dân tộc sẽ có biến động khi sáp nhập thêm một phần nhiệm vụ liên quan đến công tác tôn giáo được chuyển từ Bộ Nội vụ, công tác giảm nghèo từ Bộ LĐTB&XH bởi vậy cần phải tổ chức tinh gọn bộ máy, sẵn sàng để đón nhận để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu, đề xuất nội hàm triển khai thực hiện hai Chương trình MTQG để mang lại hiệu quả thực chất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cần tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân các Chương trình MTQG; sớm bố trí vốn trong năm 2025 cho các địa phương, tuy vậy “có tiền rồi thì phải tiêu cho được, tiêu cho đúng”- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý. Nguồn lực bố trí thực hiện các Chương trình MTQG phải có trọng tâm, trọng điểm để làm “ra tấm, ra món” không dàn trải mặc dù thực tế ở khu vực dân tộc miền núi cái gì cũng cần. Ủy ban Dân tộc cần rà soát, tổng kết, đáng giá đề xây dựng được danh mục công trình, dự án ưu tiên thực hiện để tập trung nguồn lực, phát huy hiệu quả.

Các Bộ, ngành phải có trách nhiệm chung tay với Ủy ban Dân tộc, các địa phương để triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc... không được xem nội dung công việc này là của riêng Ủy ban Dân tộc, các địa phương.

Điều Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong muốn và yêu cầu đó là phải tăng cường tuyên truyền vận động để quyết tâm của Đảng và Nhà nước đặt ra trong công tác thoát nghèo chính là khát khao và quyết tâm của đồng bào DTTS để công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS thật sự bền vững, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP