Trong nước

Ủy ban Dân tộc triển khai công tác dân tộc 6 tháng cuối năm 2023

Sáng 12/7, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối tới 52 điểm cầu trên cả nước.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Vi Văn Sơn – Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đạt thấp

Trong 6 tháng đầu năm 2023. Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và quyết liệt, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; Ủy ban Dân tộc và các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thể hiện nổi bật nhất là công tác phối hợp trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), thể hiện rõ trách nhiệm với vùng đồng bào DTTS&MN. Một số địa phương đã nỗ lực trong tổ chức triển khai, tổ chức lồng ghép nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của công tác dân tộc, thể hiện cụ thể là việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu của Chương trình.

Cùng với đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Thực hiện các đề án, chính sách, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác trong 6 tháng đầu năm đạt mục tiêu đề ra với khối lượng công việc lớn, hoàn thành có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc được quan tâm, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã bám sát và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ ngành chỉ đạo tổ chức triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn, bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo đà phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những tồn tại, khó khăn trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Thực tế, vùng dân tộc, vùng DTTS&MN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề bức xúc cần được tiếp tục giải quyết trong giai đoạn hiện nay, đó là: Kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Công tác xóa đói giảm nghèo còn chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS&MN vẫn còn thấp.
Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ người. Một số chính sách tại vùng DTTS dàn trải, định mức hỗ trợ thấp hoặc kém hiệu quả như: Hỗ trợ học sinh DTTS, chính sách đối với người có uy tín; đào tạo, chuyển đổi nghề cho người DTTS...

Việc tổ chức thực hiện chương trình MTQG phát triển DTTS&MN tiến độ vẫn còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh một số khó khăn vướng mắc. Theo tổng hợp từ các địa phương có báo cáo, đến thời điểm 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình là 7.852.164 triệu đồng, đạt 18,54%; trong đó, vốn đầu tư phát triển là 6.466.230 triệu đồng (27,26%), vốn sự nghiệp là 1.205.865 triệu đồng (6,47%).

Tại hội nghị, hầu hết các các địa phương có đề xuất kiến nghị sửa đổi những bất cập, không phù hợp của Nghị định 27 về cơ chế thực hiện chương trình MTQG, Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân bổ vốn; đề nghị xem xét, rà soát lại việc phân định các xã, thôn, ấp vùng đồng bào DTTS theo trình độ phát triển; đề nghị phân cấp cho địa phương trong việc quyết định bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần, để có thể linh hoạt theo nhu cầu thực tế của địa phương, khả năng giải ngân để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình...

Nghệ An luôn quan tâm, chỉ đạo, triển khai kịp thời, nghiêm túc công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn phát biểu tham luận tại hội nghị

Tham luận tại hội nghị, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn cho biết: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn được quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời.

Tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc

Từ các chính sách được hỗ trợ, người dân vùng đồng bào DTTS&MN giảm bớt khó khăn, tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh ngày càng phát triển

Đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh ngày càng đổi thay theo hướng phát triển toàn diện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Riêng về thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, đến ngày 30/6/2023, tỉnh Nghệ An đã giải ngân vốn đầu tư phát triển 220.639 triệu đồng, đạt 19,62% vốn sự nghiệp giải ngân 37.275 triệu đồng đạt 3,25% kế hoạch.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay, có rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Nhất là hệ thống văn bản hướng dẫn của cấp trung ương về CTMTQG ban hành chưa kịp thời, chưa đầy đủ, không thực hiện được hoặc khó thực hiện trong thực tiễn; có nhiều văn bản phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, còn một số chính sách chưa được pháp luật quy định cụ thể để làm cơ sở pháp lý ban hành các văn bản của địa phương. Một số quy định yêu cầu địa phương ban hành trong khi không có các văn bản hướng dẫn và việc quy định giao cho địa phương ban hành các nội dung trên sẽ dẫn đến mỗi địa phương có quy định khác nhau, không thống nhất trong phạm vi cả nước.

Tại hội nghị này, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đề nghị Ủy ban Dân tộc phê duyệt các thôn (không đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 của các xã không thuộc khu vực I, II, III để có cơ sở thực hiện Chương trình cũng như xây dựng, hoạch định các chính sách của địa phương nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS&MN. Cùng với đó, sớm ban hành bộ tài liệu hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện Tiểu dự án 4 (Dự án 5); Tiểu dự án 1 (Dự án 9)...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc ưu tiên bố trí cho Nghệ An từ các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế ADB..., vốn viện trợ không hoàn lại để tỉnh có thêm nguồn lực để hạn chế, khắc phục một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...

Phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh còn có nhiều khó khăn trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Khẳng định công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà trong đó cơ quan dân tộc có vai trò tham mưu, đầu mối triển khai, chứ không phải là cơ quan giải quyết tất cả các khó khăn, vướng mắc; cần phải có cơ chế phối hợp hết sức nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đề thực hiện như thế nào cho “đúng vai, tròn vai, thuộc bài” triển khai hiệu quả chính sách dân tộc, công tác dân tộc.

Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc rất trăn trở tại sao một Chương trình lớn (Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN) như vậy lại khó triển khai. Điều đó, cho thấy quá trình tham mưu ban hành Chương trình chưa nắm sát tình hình thực tế, bởi có những nội dung không thể triển khai được, có những nội dung mới thực hiện hoặc chưa thực hiện đã hoàn thành. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cần phải rà soát một cách tổng thể để xem nội dung nào vướng về đối tượng, vướng về cơ chế, chính sách, vướng về mục tiêu... để từ đó đề xuất với Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh phù hợp.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, tập trung xây dựng hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023.

Đối với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, cần phải phải tiếp tục đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn về cơ chế chính sách trong thực hiện Chương trình để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, nghiên cứu, tham mưu và báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh nguồn vốn phù hợp với điều kiện các địa phương. Tập trung đôn đốc triển khai có hiệu quả nguồn vốn, nội dung đầu tư của Chương trình có trọng tâm, trọng điểm để đạt các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân, nhất là đồng bào DTTS nghèo trong việc triển khai Chương trình. Triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp; chú trọng tập huấn nâng cao năng lực phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương cho cán bộ cấp thôn, bản, người dân thuộc địa bàn thực hiện Chương trình.

Mặt khác, cần tăng cường giám sát; kịp thời xử lý sai sót, vướng mắc; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình...

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP