Với khối tài sản “khủng” gần 27 nghìn tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Hãng hàng không Vietjet – hiện đang giữ vị trí thứ 2 trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Theo như thông tin trong bản cáo bạch của VJC, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vietjet đang nắm giữ 9,42% vốn của công ty này.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ vị trí người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt. |
Bên cạnh đó, bà Thảo còn sở hữu 100% vốn của Công ty Hướng Dương Sunny – doanh nghiệp đang nắm giữ 23,24% vốn của Vietjet. Tính tổng lại thì bà Thảo hiện đang sở hữu tổng công 32,66% cổ phần của Vietjet.
Bà Thảo xinh năm 1970, được đánh giá là một trong những nữ doanh nhân thành công nhất Việt Nam hiện nay.
Bà Thảo bắt đầu kinh doanh vào khoảng năm 1988, khi còn là sinh viên đại học năm thứ hai ngành tài chính và kinh tế ở Moscow. Lúc đầu, khi số vốn còn ít ỏi, bà nhận các mặt hàng quần áo, thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng từ nhà cung cấp ở Nhật, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc, rồi bán ở Nga trong những năm trước khi Liên Xô tan rã.
Trong vòng 3 năm kinh doanh đầu tiên, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD. Sau đó, bà chuyển sang buôn thép, máy móc, phân bón và các mặt hàng khác.
Mới đây, bà Thảo đã tiếp tục lọt vào danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 cho tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Trước đó, bà Thảo đã xếp ở vị trí thứ 62 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất hành tinh năm 2016 do tạp chí Forbes đưa ra, bà Thảo đứng ngay sau nữ tỷ phú Zhou Qunfei của Trung Quốc (#61) và đứng trước nhiều người nổi tiếng khác như bà Arianna Huffington – Tổng biên tập tờ Huffington Post (#70) hay Tory Burch – CEO của đế chế thời trang Tory Burch (#73)…
Tính đến thời điểm tháng 6/2018, tập đoàn Vietjet có 6 công ty con. Hoạt động chính của Vietjet là cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa trên các tuyến bay nội địa và quốc tế và các hoạt động hỗ trợ liên quan, mua bán máy bay.
Báo cáo tài chính quý 2/2018 của VJ cho thấy, hãng ghi nhận doanh thu vận tải hàng không đạt 8.588 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế đạt hơn 950 tỷ đồng, tăng 43,7%
Lũy kế 6 tháng từ đầu năm 2018, doanh thu vận tải hàng không của Vietjet đạt 16.478 tỷ đồng, tăng 52,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận vận tải hàng không đạt 1.686 tỷ đồng, tăng 53,4%, và hoàn thành 56,2% kế hoạch năm.
Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của đội bay, bao gồm cả máy bay hiện đại Airbus A321 NEO và việc mở rộng các đường bay dài hơn tới các nước Đông Bắc Á, các chuyến bay quốc tế thúc đẩy hoạt động bán suất ăn, đồ lưu niệm, hành lý... khiến doanh thu hoạt động phụ trợ trong nửa đầu năm 2018 đạt 3.807 tỷ đồng, tăng 50% so với nửa đầu năm 2017.
Tính đến 30/6/2018, tổng số nhân viên của tập đoàn này lên tới 3.412 nhân viên.
Ngoài việc là cổ đông lớn nhất của VietJet Air, Tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà đã mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005, trở thành nhà đầu tư người Việt đầu tiên sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao. Furama Resort Danang khai trương vào năm 1997 với 198 phòng là khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên tại Việt Nam.
Gần một thập kỷ sau đó, Sovico tiếp tục thâu tóm thêm 2 khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà là Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay.
Tác giả: Lâm Anh
Nguồn tin: vietQ.vn