Phải, đây là một trận giao hữu nặng tính thử nghiệm (chứ không đặt nặng ăn thua), tuy nhiên không vì thế mà chúng ta được quyền dễ dãi, cẩu thả và thoả hiệp với sai lầm.
Phong độ hay đẳng cấp?
Chỉ vài ngày trước, cũng trận giao hữu với đối thủ thậm chí mạnh hơn Indonesia nhiều, đội CHDCND Triều Tiên, nhưng thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng đã chơi bóng đầy kỷ luật và quyết tâm. Chúng ta thắng ngược 5-2 ở thế bị dẫn bàn. Màn thể hiện có thể nói là xuất sắc nhất của ĐT Việt Nam trong nhiều năm qua, nhận được sự tin yêu của người hâm mộ, của truyền thông.
Vấn đề không phải Tuấn Anh, Xuân Trường và Công Phượng vắng mặt, khiến ĐT Việt Nam chơi lạc tông ở xứ vạn đảo, mà cốt lõi là thái độ tiếp nhận đối thủ, tiếp nhận trận đấu và ứng xử khi sớm dẫn bàn. Không còn sự kỷ luật như hôm ở Thống Nhất, học trò ông Thắng chơi bóng có phần tự phát, thậm chí thiếu trách nhiệm. Đây là căn bệnh trầm kha của nền bóng đá, của ĐTQG.
Những sai sót trong phòng ngự của đội tuyển Việt Nam là bài toán không dễ giải với HLV Nguyễn Hữu Thắng
Đến lúc này, hẳn nhiều người còn chưa quên bài học vừa ráo mực: Bán kết AFF Cup 2014 với Malaysia, khi ĐT Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Toshiya Miura. Chúng ta cũng tạo được lợi dẫn rõ rệt sau trận lượt đi trên sân đối phương, nhưng bất ngờ chơi như gà mắc tóc ở Mỹ Đình, thua chung cuộc và nhường quyền vào chung kết cho đối thủ.
Nhiều năm trước đó, SEA Games 2009 tại Lào, U23 Việt Nam cũng đã thắng Mã 3-1 ở vòng bảng và nắm chắc HCV khi gặp lại họ tại trận chung kết. Khi một đội bóng đạt đẳng cấp cao, có thể thành tích biến động nhưng chắc chắn điều đó không phản ánh đẳng cấp đích thực của nền bóng đá. Thái Lan là điển hình trong khu vực. Còn chúng ta diện mạo quá phập phù.
Bao nhiêu lần “thử kêu, đốt tịt”; hoặc, vào giải mấy trận vòng bảng “đốt” rất “kêu” nhưng sau lại tịt ngóm! Một điều cần phải sòng phẳng đặt ra lúc này: ĐTVN trình độ hiện nay có thực sự được cải thiện, đủ sức mạnh dạn đặt mục tiêu vô địch? Khó, không ai dám trả lời ngoài chậc lưỡi, đành phải tin Hữu Thắng và các học trò.
Cần một đội tuyển “sạch”
Trở lại trận chung kết SEA Games 2009, điều gì đã diễn ra chiều muộn ở Vientiane hôm ấy? Không thể giải thích được.
Cổ nhân dạy, một mất mười ngờ.Từ sau hội nhập trở lại, người hâm mộ Việt Nam từng phải nếm trải rất nhiều cơn ác mộng. Khi niềm tin yêu đang được tôn tạo, thì cũng rất nhanh, các đội tuyển lại ném nó xuống vũng bùn. SEA Games Bacolod 2005, rồi Tiger Cup 98, giải đấu tên gọi tiền thân của AFF Suzuki Cup sau này. Nỗi ám ảnh chưa buông tha.
Chơi bóng, cống hiến để rồi bị hồ nghi là điều rất khó chịu trong lòng các cầu thủ. Vậy họ phải chơi khác đi, phải chứng minh điều ngược lại, chứ không thể hằn học người xem được.
Câu chuyện ở Indonesia mới đây, dù một nhà đài của Việt Nam đã trực tiếp trận giao hữu, nhưng khán giả Việt Nam không phải ai cũng có điều kiện mục sở thị. Những phân tích chuyên môn đã được đưa ra sau đó, nhưng khi bình tâm soi lại, có thứ gì đó gờn gợn. Những sai lầm ấu trĩ của hàng phòng ngự lặp lại, thì phải tìm hiểu cặn kẽ căn nguyên, đừng tặc lưỡi.
ĐT Việt Nam đang trên hành trình chinh phục AFF Cup 2016, may, chúng ta chưa thực sự bước vào những cuộc chiến, để những sai số còn có thể sửa. HLV Nguyễn Hữu Thắng đã và đang có trong tay những cầu thủ tốt nhất của nền bóng đá, trong nhiều năm đổ lại. Nói không ngoa, các cầu thủ này không hề thua về lượng và chất, so với lứa vô địch AFF Cup 2008, bất kể có nhấc Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng ra. Đấy là sự thật.
Vấn đề là, HLV Hữu Thắng cần phải xây dựng họ trở thành một đội quân thiện chiến, tư tưởng trong sáng, thì mới nghĩ đến nghiệp lớn.
Tác giả bài viết: Tùy Phong