Chiều ngày 21/2, phiên tòa xử ly hôn của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên được tiếp tục.
Khi HĐXX hỏi về việc phía ông Vũ đề nghị chia tài sản theo tỉ lệ 70-30, ý kiến về đề nghị này như thế nào, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng đề nghị này không có căn cứ về mặt pháp luật và đạo lý.
“Về việc chia như thế nào tôi sẽ để luật sư của tôi trả lời”, bà Thảo nói.
Tiếp đó bà nghẹn giọng khi nhắc về con đang học ở nước ngoài theo dõi cuộc ly hôn của cha mẹ qua báo chí. “Sáng nay sau khi đọc thông tin trên báo, con tôi ở nước ngoài có gọi điện về đòi về với mẹ, nhưng tôi đã phải động viên cháu rất nhiều”, lời bà Thảo.
Nụ cười hiếm hoi của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong suốt phiên tòa |
Cũng theo bà Thảo, sáng nay bà xin rút đơn ly hôn tại tòa nhưng ông Vũ không đồng ý nên bà đã thay đổi quyết định, đề nghị tòa tiếp tục xử. “Mong tòa tiếp tục xét xử và đảm bảo quyền của người phụ nữ và những đứa trẻ”, bà Thảo nói.
Về việc bị đơn đề nghị, sau khi phân chia tài sản, bị đơn sẽ trả cho bà Thảo bằng tiền để bà giao lại cổ phần cho ông Vũ, nhưng bà Thảo không đồng ý.
Phía bà Thảo đề nghị chia cho bà Thảo 51% cổ phần Công ty CP đầu tư Trung Nguyên, ông Vũ 39% vì ở công ty này có 2 nhóm cổ đông. Nhóm thứ nhất là ông Vũ, mẹ và chị gái ông Vũ chiếm 70%. Với tỉ lệ này, ông Vũ có 10% cổ phần.
Vì vậy, tổng số cổ phần ông Vũ có là 49%. Một bên 51% và một bên 49% sẽ không có việc bên nào dùng ý chí của mình để áp đặt, các bên đều có quyền biểu quyết trong đại hội cổ đông, bà Thảo có quyền tham gia vào hoạt động của công ty này và đảm bảo quyền bà mẹ và trẻ em...
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ |
Về tài sản bất động sản đã thống nhất, đây là tình tiết không thể chứng minh. Đề nghị HĐXX chia cho bà Thảo ngôi nhà bà và các con đang sinh sống ổn định. Bà Thảo đề nghị chia ông Vũ phần nhiều hơn trong 12 bất động sản và nhiều cổ phần tại những công ty hai vợ chồng có chung sở hữu.
Không đồng ý với đề nghị của bà Thảo, ông Vũ vẫn giữ nguyên tỉ lệ chia 70-30%.
Khi được hỏi về việc ông Vũ đề nghị trợ cấp cho 4 con mỗi năm 10 tỷ đồng, bà Thảo đồng ý, nhưng có một thắc mắc là việc này tính từ thời điểm nào? VKS cho biết bản án có hiệu lực từ ngày tuyên án. Nếu hai bên thỏa thuận được với nhau về thời điểm thì sẽ ghi nhận.
Khi VKS đặt câu hỏi với bà Thảo về đóng góp cho Trung Nguyên khi khởi nghiệp bằng một số tiền, việc này có chứng cứ gì không? Đại diện phía bà Thảo cho biết thời buổi ấy không có bằng chứng gì.
VKS chuyển sang hỏi ông Vũ về việc từ ngày bà Thảo nộp đơn ly hôn, có bao giờ ông Vũ gặp các con để tìm hiểu xem chúng thật sự muốn sống với ba hay mẹ?
Ông Vũ trả lời không dám làm tổn thương các con. “Sự thật đau lòng là cô ấy giữ bọn trẻ làm con tin, người giúp việc muốn lo cho các cháu cũng khó khăn. Các con lớn lên sẽ hiểu những gì xảy ra”, ông Vũ cho hay.
Tác giả: Đoàn Nga
Nguồn tin: Báo VietNamNet