Giáo dục

Tự chủ đại học gặp khó khi thiếu cơ chế

Tự chủ đại học đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tuy nhiên, còn nhiều rào cản để các trường đại học có thể đứng vững trên đôi chân của mình.

Chiều 26/12, Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật Giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2019-2023.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, yêu cầu khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Vì vậy, Thứ trưởng đánh giá việc đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 57.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy.

Đánh giá sơ kết thực hiện Luật GDĐH giai đoạn 2019-2023, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, qua 5 năm thực hiện, Luật GDĐH cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển GDĐH.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về GDĐH, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật GDĐH đã không còn phù hợp so với yêu cầu thực tiễn.

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cao Luật số 34 với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện tự chủ đại học, được đánh giá là một chủ trương đúng đắn, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nêu ý kiến, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện tự chủ đại học vẫn còn một số khó khăn khi chưa có quy định cụ thể về gắn kết giữa hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thiếu quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế đặt hàng nghiên cứu với những lĩnh vực đặc thù phục vụ phát triển đất nước; chưa xây dựng quy định cụ thể hỗ trợ việc tuyển dụng, thu hút nhân tài, các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Còn theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cần đưa các trường cao đẳng thuộc giáo dục đại học để đảm bảo tính hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học. Nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ đề xuất ý kiến tại cuộc họp.

GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ mong muốn với sự chuyển biến mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, Luật Giáo dục đại học cũng sẽ được sửa đổi, hoàn thiện, có cơ chế thúc đẩy, đào tạo nhân tài, góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của đất nước.

Một số vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm trong phiên họp như: tự chủ trong tuyển giảng viên nước ngoài; cần có một bộ Luật chung thống nhất, cụ thể hóa các bộ luật liên quan hiện nay; luật hóa chức năng nghiên cứu viên; ghi nhận vai trò của Bộ môn trong các cơ sở giáo dục đại học; đầu tư thời gian, công sức để có Luật mới thực sự chất lượng và phù hợp nhu cầu của thực tiễn…

Cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, Luật số 34 đã mở ra hành lang pháp lý rất quan trọng, tạo ra sinh khí mới, hệ thống giáo dục đại học đang trưởng thành, thay đổi hẳn về chất và lượng, đặc biệt là về năng lực quản trị đại học, tự chủ, chất lượng chương trình đào tạo.

Tất cả đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tạo ra động lực mới để phát triển, chuẩn hóa chất lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường..

Với một số điểm nghẽn còn đang tồn tại, Thứ trưởng nhấn mạnh cần bắt tay vào làm ngay, để có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, hướng tới xây dựng Luật hiệu quả, phù hợp thực tiễn, có hiệu lực lâu dài.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP