Giáo dục

Tự chủ đại học: Người học phải đối mặt với điều gì?

Tự chủ đại học làm tăng trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, của các giảng viên. Do đó, việc đảm bảo chất lượng đào tạo (đầu vào và đầu ra) trong chương trình đại học theo từng chuyên ngành là một lợi thế để sinh viên vững tâm theo học. Dĩ nhiên, không ít điều phải đối mặt.

Tự chủ đại học - con đường để các trường đại học phát triển bền vững thì quyền lợi của người học sẽ được chú trọng ra sao? Đó chính là một trong những vấn đề mà sinh viên các trường Đại học hiện nay quan tâm.

Tin tưởng về chất lượng đào tạo

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật GDĐH sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Theo đó, tự chủ đại học sẽ chính thức được luật hóa. Điều này tạo hành lang pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Hiện nay, theo nhu cầu của xã hội, giáo dục cấp đại học thường rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn thông qua các chương trình mang tính ứng dụng. Hơn ai hết, các trường hiểu rằng việc đầu tư phòng thí nghiệm, trung tâm thực hành hay các dự án khởi nghiệp, tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy - học. Vấn đề sâu xa của tự chủ đại học đó là bản chất của trường đại học đích thực phải tạo ra những tri thức mới và trường đó phải đào tạo ra những con người đáp ứng yêu cầu của một xã hội liên tục thay đổi.

Tuy nhiên, trong mắt giảng viên, sinh viên đại học hiện nay chưa tận dụng đầy đủ các nguồn lực và các cơ hội học tập mà trường đại học mang lại. Nhiều giảng viên lâu năm cho rằng, ngày nay, sinh viên học tập kém hơn hoặc ít nghiêm túc hơn so với những người đi trước. Mặc dù các giáo viên đều không hài lòng với mức độ sinh viên tận dụng các cơ hội học tập mà các trường đại học cung cấp, không thỏa mãn với việc học tập của sinh viên. Nhưng họ luôn xác định dạy sinh viên thạo nghề, nhân cách tốt đồng nghĩa với việc được chuẩn bị một cách cơ bản cho công việc suốt đời của một con người.

Sinh viên đại học tham gia hoạt động ngoại khóa

Do đó, giảng viên luôn nỗ lực “cải cách” để có phương pháp giảng dạy mới, và kéo theo đó, người học phải tích cực, chủ động hơn trong học tập. Người học buộc phải nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu ở thư viện, tại nhà hay bất cứ nơi đâu thuận tiện cho việc học. Bên cạnh đó, người học nên tận dụng các cơ hội học tập tiềm năng: gồm các buổi gặp gỡ với sinh viên ngoài lớp học, các hoạt động sinh viên, môi trường xã hội ở trường đại học.

Tìm kiếm việc làm – một phần trách nhiệm của nhà trường?

Chức năng quan trọng của giáo dục đại học khi tự chủ là giúp sinh viên thấy rõ những ý tưởng và kinh nghiệm mới, những cách tư duy và chuẩn bị cho họ trở thành những thành viên xã hội làm việc có hiệu quả và có trách nhiệm công dân. Cùng với đó, một trong những yêu cầu bắt buộc của Luật Giáo dục thì các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Số sinh viên có việc làm theo chuyên ngành được đào tạo thể hiện sự hiệu quả thực chất của quá trình đào tạo với thị trường lao động. Do vậy, việc tìm kiếm việc làm phù hợp cho sinh viên có năng lực sau khi ra trường cũng là một phần trách nhiệm của nhà trường.

Học chế tín chỉ trong giáo dục đại học hiện nay đã đặt sinh viên trong tình huống phải “động não”, tự lựa chọn các môn học cho mình. Điều đó giúp các em luôn chủ động trong việc học.

Để sinh viên có thể đạt được những kĩ năng và năng lực mà các em cần, các trường đại học phải chủ động sắp xếp nguồn lực của mình, tạo điều kiện cho sinh viên có thể tham gia đầy đủ vào các loại hình trải nghiệm cụ thể. Việc học tập của sinh viên với các hoạt động khác của các em để tăng tính chất bổ sung lẫn nhau của các hoạt động trong và ngoài lớp học. Có như vậy, sinh viên mới tận dụng được các nguồn lực dành cho học tập mà các trường đại học cung cấp.

Như vậy, tự chủ đại học làm tăng trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, của các giảng viên. Do đó, việc đảm bảo chất lượng đào tạo (đầu vào và đầu ra) trong chương trình đại học theo từng chuyên ngành là một lợi thế để sinh viên vững tâm theo học.

Bài toán tăng học phí

Một trong những vấn đề luôn được đặt ra đó là mức học phí mà sinh viên phải trả hiện nay. Thực tế, giáo dục đại học là giáo dục nghề nghiệp (không phải giáo dục phổ cập), nên người học trả học phí để có được kiến thức, kỹ năng. Điều này hoàn toàn hợp lý với xu hướng kinh tế thị trường. Để đảm bảo việc nâng cao chất lượng đồng thời vẫn cân đối việc thu chi khi các trường thực hiện việc tự chủ thì vấn đề tăng học phí là điều tất yếu.

Tự chủ đại học đang đặt ra các câu hỏi như: Khi người học có những lo lắng nhất định về việc tự chủ mở ngành mới liệu các trường có đảm bảo về chất lượng và quyền lợi đối với người học? Mức tăng học phí như thế nào sẽ là bài toán để các trường cân nhắc, đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút người học? Những nhận định về việc học tập, giảng dạy cho sinh viên phù hợp với những nhiệm vụ sắp tới là gì để chặt chẽ và làm tăng giá trị về chất lượng bằng cấp?

Sứ mệnh giáo dục đại học nhấn mạnh đến việc giảng dạy và chương trình đào tạo. Do đó, những câu hỏi trên khiến nhiệm vụ của giáo dục đại học mang tính “thách thức” hơn. Hầu hết các trường đại học sẽ giúp đỡ sinh viên phát triển những loại năng lực: kĩ năng khám phá, tổng hợp, áp dụng thông tin mới - những kĩ năng này thường được đặt ngang hàng với khả năng học tập suốt đời.

Sinh viên đại học ngày nay so với 10 năm trước thông thường cũng cần ở trường đại học những gì mà các thế hệ đi trước đã cần. Đó là một quá trình học tập giúp thay đổi họ theo hướng tốt hơn và chuẩn bị cho họ “vào đời” sau khi tốt nghiệp đại học. Cần nhìn nhận rằng, sinh viên thuộc mọi thế hệ đều cần ở đại học những thứ như nhau: sự chuẩn bị cho một nghề nghiệp tốt; một lượng kiến thức về nhiều chủ đề khác nhau, có liên quan tới cuộc sống của họ và với thế giới mà họ sẽ sống sau khi tốt nghiệp đại học.

Tác giả: Phương Vy

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP