Trường ĐH tuyển giáo sư, phó giáo sư sẽ không còn lạ trong thời gian tới? |
Giáo sư, phó giáo sư chỉ là một vị trí công việc. Chính vì vậy, các trường ĐH nếu có nhu cầu thì có thể “tuyển” và bổ nhiệm. Còn các ứng viên, nếu đủ điều kiện thì sẽ có được vị trí việc làm như mong muốn. Đây là điều còn khá mới đối với quan niệm về giáo sư, phó giáo sư trong xã hội. Nhưng với các trường ĐH, nó không còn xa lạ.
Trường ĐH Ngoại thương vừa có văn bản thông báo việc xét bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư tại trường ĐH Ngoại thương.
Theo đó, điều kiện đăng ký xét bổ nhiệm các ứng viên đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2017, có sức khỏe đảm bảo giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Số lượng GS,PGS cần tuyển vào các ngành của trường đại học Ngoại thương gồm: Ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế Quốc tế: 01 người; chuyên ngành Tài chính ngân hàng: 01; chuyên ngành Kế toán Kiểm toán 01; chuyên ngành Kinh doanh 01; chuyên ngành Kinh tế học 01; chuyên ngành Luật Kinh tế 01.
Hồ sơ đăng ký xét bổ nhiệm chức danh GS,PGS gồm: Lý lịch khoa học có xác nhận của cơ sở đào tạo; Bản đăng ký xét bổ nhiệm chức danh GS,PGS; Đơn xin làm việc tại trường ĐH Ngoại thương, giấy khám sức khỏe, Quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS do Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước cấp. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 15/3- 19/3/2018.
Nói về vấn đề này, PGS. Trần Văn Tớp, phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết ở trường, việc tuyển dụng được sắp xếp theo vị trí việc làm. Với mỗi vị trí, sẽ yêu cầu ứng viên có một số điều kiện nhất định. Ví dụ như có khoa, yêu cầu giảng viên phải là Tiến sĩ, hoặc có khoa yêu cầu giảng viên phải là Phó giáo sư, giáo sư...
Tuy nhiên, PGS. Trần Văn Tớp cho rằng, từ năm 2008, trong quy định của Chính phủ thì Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chỉ có nhiệm vụ công nhận ứng viên đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
Còn bổ nhiệm là việc của các trường. “Lẽ ra, chức danh giáo sư, phó giáo sư nên gắn với một trường ĐH nào đó. Hiện nay ở Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ. Chính vì vậy, nhiều người mặc định giáo sư, phó giáo sư là chức danh trọn đời” – PGS. Trần Văn Tớp cho hay.
Ông cũng cho biết, ở Pháp, cũng có một Hội đồng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư giống như của Việt Nam. Nhưng các giáo sư, phó giáo sư phải đi “xin việc”. Nếu viện nghiên cứu nào cần vị trí giáo sư, phó giáo sư họ sẽ tuyển dụng và bổ nhiệm. Lúc đó, giáo sư, phó giáo sư chỉ là một vị trí việc làm.
Còn nếu ai không “xin được việc” thì họ sẽ không được bổ nhiệm. PGS. Trần Văn Tớp cũng mong muốn thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ thực hiện được điều này. Giáo sư, phó giáo sư phải gắn với vị trí việc làm ở trường ĐH hoặc viện nghiên cứu. Rời khỏi trường ĐH, hoặc viện nghiên cứu họ sẽ không còn là giáo sư, phó giáo sư.
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong