|
Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT không còn đưa ra quy định chung về điểm sàn xét tuyển cho các trường (trừ khối ngành đặc thù là sư phạm và sức khỏe). Trên cơ sở đó, hai năm nay, các trường ĐH được tự chủ trong xác định mức điểm tối thiểu để nhận hồ sơ xét tuyển vào các ngành không đặc thù.
Ở năm 2018, ngay khi không còn quy định sàn tối thiểu, nhiều trường đã “hạ” sàn ở mức rất thấp. Năm nay, dù phổ điểm tăng nhưng vẫn có hàng loạt trường thông báo điểm sàn ở mức 12 - 13 điểm.
Vậy khi được tự chủ xét tuyển, liệu các trường được toàn quyền tự quyết mức điểm sàn dù thấp tới đâu?
Điểm dưới 14 là quá thấp!
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng theo quy định hiện hành, cụ thể là quy chế tuyển sinh, thì các trường được toàn quyền tự quyết điểm sàn (trừ khối ngành sức khỏe và sư phạm). “Tuy nhiên, nếu sàn thấp quá thì phải giải trình với cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo các trường mình quản lý. Nên, nếu các trường lấy sàn thấp, các trường được yêu cầu giải trình là đúng”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, với mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm trước, việc các trường xác định điểm sàn dưới mức 14 là quá thấp. “Điểm sàn thấp sẽ là con dao hai lưỡi. Đầu vào thấp, chất lượng đầu ra thấp, sinh viên thất nghiệp nhiều sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu của chính các trường”, ông Dũng nhìn nhận.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2021, cũng khẳng định việc xác định điểm sàn là quyền tự chủ của nhà trường (trừ ngành đặc thù). Tuy nhiên, tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình.
“Ở đây vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là yêu cầu những trường tuyển điểm đầu vào thấp có trách nhiệm giải trình trước xã hội thông qua cơ quan này về sự phù hợp của mức điểm đầu vào với ngành đào tạo và những giải pháp giúp nâng cao chất lượng khi đầu vào thấp. Nếu minh bạch thì cả Bộ và xã hội cùng giám sát”, ông Vinh nhấn mạnh.
Cần cân nhắc để đảm bảo chất lượng đầu vào
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nhìn nhận: “Dù hiện không có quy định tối thiểu nào về điểm sàn xét tuyển các ngành không đặc thù, thì bản thân các trường cũng phải cân nhắc khi đưa ra điểm sàn để đảm bảo đầu vào”.
Ông Hạ nói: “Dù có những nguyên nhân khác nhau, nhưng nếu trường thật sự quan tâm đến chất lượng đào tạo thì sẽ không bao giờ đặt ngưỡng quá thấp để nhận hồ sơ. Dù công nghệ đào tạo có tiên tiến, giảng viên có giỏi nhưng chất lượng đầu ra một sinh viên có đầu vào 14 điểm không thể tốt như 24 điểm. Khi đó, chuẩn đầu ra sẽ rất khó đạt được như mong đợi”.
Quan trọng hơn hết, theo ông Hạ, bản thân người học có sự lựa chọn riêng. Điều này có thể thấy rõ qua việc, cùng một kết quả thi nhưng có những trường CĐ điểm sàn lại cao hơn nhiều so với trường ĐH. Các doanh nghiệp dù không nói ra cũng luôn có những ưu tiên hơn cho sinh viên một số trường có thương hiệu khi tuyển dụng từng lĩnh vực. “Thực tế có những năm, ở một số ngành học đặc thù dù chỉ tiêu 70 nhưng tuyển được 50 - 60 sinh viên, trường vẫn chấp nhận không đủ chỉ tiêu để giữ ngưỡng đầu vào nhất định”, ông Hạ ví dụ.
Nhiều trường đã điều chỉnh tăng điểm sàn Ngay sau bài Lấy điểm sàn dưới 14, trường ĐH phải giải trình được đăng tải trên Báo Thanh Niên vào ngày 25.7, chiều cùng ngày, nhiều trường đã ra thông báo về điều chỉnh điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Trên website ĐH Đà Nẵng, ĐH này đã có thông báo điều chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển vào phân hiệu tại Kon Tum theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019. Cụ thể mức điểm nhận hồ sơ các ngành là 14 điểm (trừ giáo dục tiểu học là 18 điểm). Trước đó tất cả các ngành của phân hiệu này đều lấy điểm sàn là 12,5. Tương tự, Trường ĐH Phú Yên cũng điều chỉnh mức điểm sàn ĐH tăng lên thành 14 điểm thay vì 13 điểm cho các ngành ngoài sư phạm như thông báo trước đó… |
Nghệ An đón mừng học sinh đầu tiên đạt giải tại Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế
Tác giả: Hà Ánh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên