Tại sao người lớn được làm đẹp học sinh lại không?
Theo điều 4 trong nội quy 8 điều của Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển ở TP Cà Mau, nam sơ vin áo trắng, quần xanh hoặc xanh đen, đầu tóc gọn gàng; nữ mặc áo dài; học sinh đi dép quai hậu hoặc giày.
Ngoài ra, nhà trường cũng quy định rõ, các hoạt động ngoài trời ăn mặc đúng trang phục quy định, lịch sự. Học sinh không được cạo đầu nhưng được nhuộm tóc (không khác biệt, nổi bật), được sơn móng tay, chân, son môi nhưng không đậm, lòe loẹt.
Chia sẻ báo chí, cô Lâm Hồng Sen, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước nay nội quy của trường là cấm nữ sinh đến trường thoa son và nhuộm tóc. Để đi đến quyết định đưa ra nội quy học sinh như trên, ngoài việc thống nhất giữa Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên, trường cũng mời bí thư chi đoàn lớp, lớp phó học tập để cho các em góp ý.
Theo lãnh đạo nhà trường, nếu các điều cấm mà không thực hiện được thì không nên cấm mà nên khuyến khích sự tự giác của các em, tạo ra sự hài hòa.
Em N.T.L (Hà Nội) vừa đỗ ĐH Ngoại thương cho biết, cả quãng đời học sinh của em bị mẹ cấm cản chuyện nhuộm tóc, thoa son và sơn móng tay.
"Em được bạn bè tặng vài thỏi son muốn dùng khi đi học nhưng trường em nổi tiếng khắt khe chuyện đánh son và bị cấm cản của mẹ ở nhà nên không bao giờ có chuyện được đánh son đến lớp. Hàng ngày đã mặc đồng phục lại không được thoa son, nhộm tóc nên rất chán. Sao lại cấm chúng em được làm đẹp trong khi người lớn được làm"- học sinh này cho hay.
Chị Nguyễn Thị Hương (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) có một con gái đang học lớp 10 chia sẻ, bản thân thân chị hoan nghênh việc nhà trường cho phép học sinh thoa son đến trường nhưng vẫn còn khá nhiều băn khoăn.
Vì theo chị Hương, nếu quy định này cần quy định rõ thế nào là “lòe loẹt, đậm” vì mỗi người có quan điểm về đậm nhạt khác nhau. Tuy nhiên, vị phụ huynh này cũng thừa nhận quy định này có thể nói là cái nhìn tiến bộ của thầy cô.
“Bản thân tôi, tôi không cấm con thoa son ở lứa tuổi này vì “cấm cũng không được”. Đúng là con gái không bao giờ đánh son trước mặt tôi nhưng gần đến trường cháu đánh son thì phụ huynh cũng chịu. Vì thế, việc tôi làm là dạy con sử dụng cho đẹp, nhẹ nhàng, dùng son sao cho an toàn với sức khỏe"- chị Hương chia sẻ.
"Đừng cứ sợ không quản được lại cấm"
Trước vấn đề của trường chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) ban hành nội quy năm học 2022-2023, trong đó cho phép học sinh thoa son, nhuộm tóc không lòe loẹt, khác biệt, TS tâm lý Nguyễn Thu Hương nói bà ủng hộ quy định của trường.
"Nhiều phụ huynh sẽ phản đối vì sợ. Nhưng liệu chúng ta cứ cấm đoán con cái được không?"- bà Hương đặt câu hỏi.
Bà Hương nêu quan điểm, cần quy định rõ ràng và có hướng dẫn thực hiện bao giờ cũng tốt hơn là cấm.
Theo bà Hương chỉ ra một vấn đề, giới trẻ giờ ít được trải nghiệm. Bản thân các con cũng quá khổ sở về việc không được trải nghiệm thì nay lại bị o ép, cấm đoán cả những thứ hết sức vô hại như trang điểm. Thế thì bảo sao các không lao theo những thứ độc hại khác.
Cô giáo Nguyễn Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội), một giáo viên dạy Hóa cho rằng, quy định này có thể chấp nhận được vì là quy định với học sinh cấp 3, là học sinh ở độ tuổi cần được làm điều mình muốn trong khuôn khổ. Tuy nhiên, nếu nhà trường quy định thì cần quy định rõ học sinh được làm gì, được làm tới đâu.
“Chứ trong quy định đừng chỉ ghi chung chung dẫn tới khi vào thực tế lại khó cho giáo viên và nhà trường. Còn tôi đồng ý với quy định này vì thực tế với quan điểm không quản được là cấm có khi còn phản tác dụng”- cô Bình chia sẻ.
Tác giả: Đỗ Hợp
Nguồn tin: Báo Tiền Phong