Giáo dục

Trước kỳ thi THPT quốc gia 2017: Bùng nổ ‘gián điệp vô hình’

Vào mùa thi, các thiết bị quay cóp “siêu tinh vi” được ví như “gián điệp vô hình” bán tràn lan trên mạng. Dù chưa biết chất lượng ra sao nhưng không ít người vẫn bỏ ra tiền triệu để săn "gián điệp".

Âm thanh chuẩn... miễn mặc cả?

Trên một số diễn đàn, nhiều người công khai bán những chiếc tai nghe siêu nhỏ dùng để liên lạc từ xa mà không sợ bị phát hiện. Chiếc tai nghe siêu nhỏ này còn được quảng cáo là một thiết bị gian lận thi cử “siêu tinh vi”.

Sau một hồi tìm hiểu, PV được gia nhập vào Fanpage “Tai nghe...” , tại trang Facebook này, chủ Fanpage đăng tải một clip với lời mời chào: “Bạn đang lo lắng vì thi cử, bạn sợ hãi với những môn học thuộc lòng. Vậy bạn đã nghĩ đến tai nghe siêu nhỏ giúp bạn qua mắt giám thị chưa?”.

Cũng từ đây, PV đã gọi điện đến số điện thoại 0968864xxx và “bắt mối” được với một chủ cửa hàng tên Q. chuyên cung cấp tai nghe siêu nhỏ với số lượng lớn ở Hà Nội. Thấy chúng tôi đang cần mua, Q. tận tình giới thiệu chiếc tai nghe siêu nhỏ: “Trước kỳ thi chẳng có sĩ tử nào không kêu than, lo lắng, nhất là những môn học lý thuyết. Thiết bị này sẽ giúp các em thi đậu mà không tốn kém quá nhiều. Nó sẽ liên lạc với người bên ngoài phòng thi một cách bí mật và gian lận trong thi cử trở thành siêu tinh vi, các em cứ yên tâm”.

Thiết bị gian lận thi cử được công khai rao bán tràn lan

Để “câu khách”, Q. tiếp thị: “Thiết bị “siêu” gian lận này của chúng tôi có thể dùng từ 5 đến 7 tiếng mà không lo hết pin, hơn nữa chỉ cần nói thì thầm bên kia vẫn nghe to một cách thoải mái nhất. Có rất nhiều loại tai nghe siêu nhỏ, nếu lấy loại 450.000 đồng/chiếc thì chất lượng sẽ không tốt, nghe ồm ồm, nhanh hỏng, phải mang điện thoại vào phòng thi. Còn nếu muốn an toàn thì mua loại 5.000.000 đồng, bộ này không cần dây, không cần điện thoại nhưng vẫn nghe rõ người ngoài nói. Một loại có giá “chát” nhưng phải con nhà giàu chúng tôi mới giới thiệu”.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được giảm giá và đến tận nơi xem hàng thì Q. thẳng thừng từ chối: “Tôi không có cửa hàng, nếu muốn mua tôi sẽ thuê ship đến tận nơi. Trước khi mang hàng đi chúng tôi đều thử trước và các em yên tâm là hàng được bảo hành một năm. Không được xem hàng hay thử đâu, vì chúng tôi đã kiểm tra hàng hết rồi. Làm nhiều năm nên cứ yên tâm nhé. Giá cả thế này là bèo lắm rồi, nếu không có tiền thì mua loại rẻ và chịu rủi ro cao. Hàng hiếm. Tai nghe càng siêu nhỏ thì giá trị lớn, an toàn... nên miễn mặc cả”.

Chất lượng không như quảng cáo

Đầu nậu Q. gửi cho chúng tôi một đoạn video và hướng dẫn cách sử dụng: “Bộ sản phẩm này gồm một hộp phát sóng, một viên tai nghe dạng hạt đậu. Khi dùng xoáy hạt đậu ra và lắp pin vào. Cắm sim đã kích hoạt sẵn vào khe phát sóng sau đó để vào túi áo, túi quần, kẹp dưới nách là người bên ngoài có thể nghe rõ các bạn nói gì, dù nói siêu nhỏ, Sau đó, gắn hạt đậu vào vành tai, nếu con gái thì lấy tóc che lại, con trai hơi khó, phải để cẩn thận nếu không dễ bị phát hiện. Nhưng nhìn chung là giám thị phòng thi khó phát hiện lắm vì nó siêu nhỏ, lấy kính lúp soi cũng khó nhìn ra”.

Sau khi quan sát, chúng tôi chê chiếc tai nghe Q. cho xem quá to, dễ phát hiện thì người này cười nói: “Nhìn tinh mắt đấy, đây chưa phải loại tốt nhất đâu, có loại tai nghe chỉ bằng đầu bút bi, nhưng giá “chát”, 5.000.000 đồng đấy. Vì loại này được nhập từ châu Âu, bộ phát sóng cũng nhỏ hơn. Bộ phát sóng của nó còn có chức năng nhận cuộc gọi, khi có gián đoạn, người ngoài gọi lại máy sẽ tự động bắt máy. Nếu dùng loại này thì khỏi cần nam châm, nó được bỏ sâu trong tai, giám thị có là “thánh” cũng không phải hiện được ra”.

Chiếc tai nghe siêu nhỏ được bán với giá "chát" nhưng vẫn không ít người bỏ tiền ra mua

Càng bất ngờ hơn khi Q. nói những chiếc tai nghe siêu nhỏ này còn được cho thuê, chỉ với 250.000 đồng/ngày và đặt cọc 1.000.000 đồng là các sĩ tử có thể lấy được loại không dùng điện thoại, không cần pin. Còn với loại siêu nhỏ thì giá 500.000 đồng/ngày, đặt cọc 2.000.000 đồng. “Mấy đồ công nghệ cao, giá đắt, nếu là sinh viên không đủ tiền mua thì đặt thuê, coi như giúp đỡ”, Q. nói.

Q. cũng nêu lý do không cho chúng tôi địa chỉ: “Nhiều bạn sau khi bị lộ và đình chỉ thi cứ đến đây khóc lóc, bắt trả lại tiền, khi ấy phiền lắm”.

Chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ Nguyễn Văn Phong, đại học FPT, cho biết: “Thực chất những thiết bị này có thể là một “mánh” để gian lận trong các kỳ thi. Nhưng chất lượng không thực sự tốt như những gì mà người bán đang thổi phồng công dụng của nó. Có một số người còn có thể chế ra chiếc tai nghe này, giá lại rẻ như bèo. Những người này chủ yếu đánh vào tâm lý lo lắng của thí sinh trước kỳ thi. Vì thế, không nên tin vào những lời quảng cáo mà để tiền mất tật mang”.

Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Bùi Hoài Thanh (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: “Nếu những người bán thiết bị như tai nghe siêu nhỏ có đăng ký kinh doanh, các mặt hàng có hóa đơn chứng từ và họ nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước thì việc bán hàng đó không hề vi phạm pháp luật.

Còn nếu cơ quan chức năng phát hiện ra một số đối tượng, cơ sở kinh doanh bán những mặt hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ các mặt hàng đấy thì sẽ tùy theo mức độ xử phạt. Nhẹ thì xử phạt hành chính, nếu lượng hàng lớn sẽ thì xử phạt hình sự. Đối với những thiết bị siêu tai nghe này thì chỉ đến khi thí sinh dùng thiết bị đó trong phòng thi thì mới vi phạm quy chế thi và xử phạt theo quy định”.

Hai thí sinh phải nhập viện vì thiết bị gian lận thi

Cách đây không lâu, trường ĐH Y dược Cần Thơ phát hiện 3 thí sinh sử dụng thiết bị điện tử công nghệ cao để gian lận thi cử. Để qua mặt giám thị, các thí sinh này đã nhét thiết bị vào tai, lấy bông gòn che ở bên ngoài. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, 2 trong 3 thí sinh sử dụng thiết bị này đã phải vào bệnh viện.

Tác giả bài viết: M.Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP