Thế giới

Trung Quốc rải phao Biển Đông: Vì sóng thần hay săn ngầm?

Sau quyết định lập trạm nghiên cứu sâu 3000m, Trung Quốc rắp tâm rải phao cảnh báo sóng thần dưới đáy Biển Đông. Thực chất Bắc Kinh đang âm mưu gì?

Trung Quốc tuyên bố rải phao cảnh báo sóng thần trên Biển Đông

Vừa qua, Hãng tin Mỹ Bloomberg vừa dẫn các tài liệu của Bộ Khoa học Trung Quốc cho biết, nước này đang khẩn trương thiết kế, xây dựng một Trạm Nghiên cứu Khoa học ở độ sâu 3000m dưới đáy Biển Đông để “trợ giúp hoạt động tìm kiếm khoáng sản”.

Trạm nghiên cứu này là dự án nằm trong kế hoạch kinh tế 5 năm mà Trung Quốc thông qua hồi tháng 3 và được xếp hàng thứ 2 trong danh sách 100 dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên, tức là được tập trung toàn bộ các nguồn lực tiến hành trong thời gian nhanh nhất.

Kế hoạch xây dựng trạm nghiên cứu dưới biển sâu đã được Bắc Kinh thai nghén từ một thập niên qua và là tâm điểm trong tham vọng của Trung Quốc để trở thành một siêu cường về công nghệ vào năm 2030, thu ngắn cách biệt thám hiểm biển sâu với Mỹ, Nhật, Pháp và Nga.

Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia đều nhận định rằng, Trung Quốc xây trạm nghiên cứu được mệnh danh là “Trạm vũ trụ đại dương” này không chỉ nhằm mục đích nghiên cứu nguồn lợi kich tế biển, mà sẽ phục vụ cho rất nhiều mục đích khác nhau.

Thứ nhất là nó sẽ trở thành công cụ để đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, thứ 2 là sẽ phục vụ cho mục đích vơ vét tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, khí đốt, đất hiếm, nguồn lợi thủy sản…) và thứ 3 là phục vụ mục đích quân sự, nhằm kiểm soát thực tế toàn bộ Biển Đông.

Sau khi tuyên bố kế hoạch xây trạm nghiên cứu, Trung Quốc tiếp tục công khai một kế hoạch mới mới tất cả các nước láng giềng lo ngại là họ sẽ rải các phao cảm biến dưới đáy Biển Đông, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương để cảnh báo sớm sóng thần, phục vụ “cộng đồng quốc tế”.

Trung Quốc âm mưu rải hệ thống cảm biến phát hiện, giám sát tàu ngầm?


Ngày 12-6, cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Tân Hoa xã đã dẫn lời Giám đốc Trung tâm Cảnh báo sóng thần thuộc Cục Hải dương Trung Quốc Yuan Ye tuyên bố về kế hoạch xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần của nước này.

Theo đó, sau khi đã lắp đặt một số phao ở Thái Bình Dương, Trung Quốc có kế hoạch lắp đặt một số phao cảnh báo sóng thần ở khu vực biển Đông, vùng biển phía đông rãnh Ryukyu (dọc phía đông nam quần đảo Ryukyu của Nhật - biển Hoa Đông) và vùng biển Đài Loan.

Theo nhà lãnh đạo của Trung tâm Cảnh báo sóng thần thuộc Cục Hải dương Trung Quốc, các phao này sẽ được nối với mạng lưới cảnh báo sóng thần quốc tế, để cảnh báo sớm về nguy cơ sóng thần cho các khu vực bờ biển phía đông và phía nam nước này, cũng như các nước lân cận.

Trung Quốc sẽ bắt chước Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh lạnh?

Dù lý do của Trung Quốc là lắp đặt phao cảnh báo sớm sóng thần, giúp các nước trong khu vực nâng cao khả năng đối phó thảm họa nhưng hành động này lại gây lo ngại cho các nước có tranh chấp biển Đông với Trung Quốc, bởi những mục đích xấu đằng sau cái vỏ bọc tốt đẹp của Bắc Kinh.

Bình luận về việc Trung Quốc xây dựng trạm nghiên cứu ở độ sâu 3000m và rải các phao cảnh báo sóng thần dưới đáy Biển Đông, ông Bryan Clark - cựu cố vấn đặc biệt của giới lãnh đạo các chiến dịch hải quân Mỹ cho rằng, đây là một âm mưu lớn của Bắc Kinh, đặc biệt là về lĩnh vực quân sự.

Biển Đông hiện đang tập trung rất nhiều loại tàu ngầm tiên tiến


Vị chuyên gia Mỹ cho biết, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã tìm mọi cách để phát hiện các liên lạc bằng cáp ngầm và thiết bị cảm biến của nhau để thu trộm trong thời bình, hoặc cắt đứt trong thời chiến.

Được biết, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ngoài các tàu đo đạc âm hưởng chuyên dụng để phát hiện âm thanh, hải quân Mỹ đã từng triển khai rộng khắp một mạng lưới các thiết bị cảm biến dưới nước thuộc “hệ thống giám sát âm thanh” chuyên theo dõi các tàu ngầm Liên Xô.

Hải quân Liên Xô cũng từng có những thiết bị dạng này, được rải xuống đáy các khu vực biển gần nước mình để ngăn chặn khả năng bị tàu ngầm Mỹ xâm nhập. Tuy nhiên, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, chương trình này không rõ có còn được duy trì hay không.

Về phần Washington, tuy số lượng các thiết bị cảm biến đã giảm xuống nhưng hệ thống tại Thái Bình Dương vẫn còn tương đối hoàn chỉnh. Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực phát triển công nghệ theo dõi, giám sát mới, chuyên dụng để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc.

Trong kế hoạch phát triển các hệ thống săn ngầm của Cục quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ có một dự án phát triển mạng vệ tinh giám sát hải dương phiên bản mới, kết hợp với các thiết bị nghe trộm âm thanh dưới nước thế hệ mới.

Các thiết bị chặn thu âm thanh dạng Robot sẽ được triển khai tại tất cả các vùng nước nông và nước sâu trên đại dương, có khả năng phát hiện và theo dõi toàn bộ các loại tàu ngầm động cơ thông thường và động cơ hạt nhân của các nước trên thế giới.

Vị chuyên gia Mỹ nhận định rằng, trước sức ép của tàu ngầm Mỹ, Nhật và cả các nước Đông Nam Á trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng có ý định tiến hành những hoạt động trinh sát tàu ngầm dưới đáy biển, đồng thời tìm cách chặn thu các thông tin cáp ngầm.

Trung Quốc sẽ chặn thu thông tin cáp ngầm, trinh sát tàu ngầm dưới đáy Biển Đông?

Hồi tháng 5, Cục Hải dương Trung Quốc cũng thông báo rằng, nước này đã lắp đặt hàng loạt phao cảnh báo sóng thần ở khu vực rãnh Ryukyu (phía đông quần đảo Mariana thuộc Thái Bình Dương), kéo dài tới vùng biển Nhật Bản.

Đây là khu vực nằm sát đảo Guam, bao gồm một quần thể các căn cứ không/hải quân của Mỹ, trong đó có các tàu ngầm hạt nhân tấn công. Đồng thời cũng là khu vực mà tàu ngầm Nhật Bản thường xuyên qua lại khi hoạt động ở Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương

Do đó, hành động này của Bắc Kinh đã gây ra sự lo lắng cho hải quân Mỹ và Nhật Bản, bởi họ sợ Trung Quốc lắp đặt các thiết bị thu trộm thông tin, trinh sát tàu ngầm ở vùng biển này.

Sự cảnh giác của Mỹ-Nhật đối với Trung Quốc đã bắt đầu lên đến cao độ sau khi Tokyo bị mất trộm thiết bị trinh sát tàu ngầm không người lái vào tháng 1/2014, đồng thời với việc Bắc Kinh điều tàu ngấm ngầm theo dõi tàu đo đạc âm hưởng (được mệnh danh là “sát thủ tàu ngầm Trung Quốc”) của Nhật Bản.

Trung Quốc đã rải phao cảnh báo sóng thần ở khu vực quần đảo Mariana thuộc Thái Bình Dương, gần tổ hợp căn cứ Mỹ ở Guam, trong đó có căn cứ tàu ngầm


Theo ông Clark, việc hiện nay Bắc Kinh định xây dựng một trạm “nghiên cứu” nằm dưới biển sâu có ý nghĩa then chốt trong việc xâm nhập, câu móc, nghe trộm liên lạc cáp ngầm và kết nối, trung chuyển tín hiệu giữa các thiết bị cảm biến phát hiện tàu ngầm của các đối tượng mà Bắc Kinh nhắm tới.

Do đó, các nước Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế luôn phải đề cao cảnh giác đối với bất cứ hành động trái phép nào của Trung Quốc trên Biển Đông, dù nhà cầm quyền Bắc Kinh có đưa ra bất cứ lí do mĩ miều và nhân đạo như thế nào để nào để ngụy biện cho hành động đó.

Bắt đầu từ giữa năm 2015 đến nay nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cho xây dựng trái phép năm ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đoạt bằng hành động quân sự của Việt Nam, với lý do nhằm tạo thuận lợi và an toàn trong lưu thông hàng hải.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng xây các công trình phục vụ quân sự như cầu cảng, sân bay trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép, núp dưới chiêu bài xây dựng các trung tâm cứu hộ, cứu nạn, nhằm phục vụ cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo quốc tế.

Đặc biệt là cũng có dấu hiệu Bắc Kinh tiến hành các hoạt động giám sát toàn bộ Biển Đông khi vào tháng 7/2015, Trung Quốc cũng đã tiến hành những hoạt động rải các thiết bị cảm biến phát hiện tàu ngầm dưới đáy Biển Đông thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Những thiết bị này nằm trong một kế hoạch vô cùng lớn của Trung Quốc, nhằm xây dựng một hệ thống trinh sát, giám sát toàn bộ các đại dương trên thế giới. Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.

Tác giả bài viết: Thiên Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP