Thế giới

Trung Quốc dùng tiền 'mua' ủng hộ của các nước về tuyên bố chủ quyền

Qua các khoản viện trợ, Trung Quốc đang lôi kéo các nước phía nam Thái Bình Dương ủng hộ tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Công trình do Trung Quốc xây trái phép ở đá Châu Viên của Việt Nam. Ảnh: EPA


Trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, Trung Quốc áp dụng chiến lược quen thuộc là "vung tiền", thông qua hình thức viện trợ, để tranh thủ sự ủng hộ về mặt ngoại giao.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hồi tháng 5 rằng họ đã được 40 nước ủng hộ lập trường của Bắc Kinh, bao gồm những nước châu Phi như Mozambique, Burundi... Những tháng gần đây, Trung Quốc bắt đầu tăng cường sự chú ý với các quốc gia ở nam Thái Bình Dương.

Từ trước đến nay, Australia là nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất đối với các đảo quốc ở nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã dành sự quan tâm cho khu vực này và tăng cường hỗ trợ tài chính không kém cạnh. Những nước nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh như Samoa, Tonga và Papua New Guinea...

Lôi kéo bằng tiền

Dẫu không quốc gia nào ở khu vực này liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang muốn chứng tỏ họ là một cường quốc với tầm ảnh hưởng quốc tế rộng khắp.

Vanuatu chính là quốc gia đầu tiên trong khu vực công khai ủng hộ tuyên bố chủ quyền sai trái của Bắc Kinh. Hồi tháng 5, Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai đã ra thông báo chỉ trích phiên tòa do Philippines khởi xướng, cho rằng các tranh chấp lãnh thổ "phải được giải quyết dựa trên những bằng chứng văn hóa và lịch sử".

Bài phỏng vấn dài với đại sứ Trung Quốc ở Vanuatu về vụ kiện của Philippines. Ảnh: SMH


Đại sứ Trung Quốc tại Vanuatu còn có bài phỏng vấn dài nguyên trang đăng trên nhật báo địa phương Daily Post để giải thích rõ thêm về quan điểm của Bắc Kinh trong vụ kiện.

Ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này hoan nghênh quan điểm của Vanuatu khi "hoàn toàn thấu hiểu" lập trường của Bắc Kinh.

Tiến sĩ Tess Newton Cain, chuyên gia tư vấn tại công ty TNC Pacific Consulting (trụ sở ở thủ đô Port Vila của Vanuatu) dự đoán nhiều quốc gia khác ở Thái Bình Dương có thể sẽ bày tỏ ủng hộ Bắc Kinh.

"Đó có thể là Samoa và Tonga, nơi Trung Quốc đầu tư, viện trợ và cho vay ưu đãi còn nhiều hơn cả Vanuatu", ông nói.

Các thực thể Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: WSJ


Bắc Kinh cũng không giấu diếm ý đồ vận động của họ. Trong cuộc họp báo ở Samoa hồi tháng 5, các nhà ngoại giao Trung Quốc còn nói rằng Bắc Kinh là "nạn nhân" từ vụ tranh chấp.

Trong khi đó, tại Tonga, đại sứ Trung Quốc ngang nhiên phát biểu rằng "người Trung Quốc" mới là người đầu tiên phát hiện, đặt tên và phát triển các quần đảo ở Biển Đông, trong khi Philippines mãi đến thập niên 1970 mới tranh tuyên bố chủ quyền sau khi phát hiện các mỏ dầu khí và khí đốt.

Phản tác dụng
Fiji là quốc gia đầu tiên lên tiếng phủ nhận việc bị truyền thông nhà nước Trung Quốc "quy chụp quan điểm" là họ ủng hộ lập trường của Bắc Kinh.

Chuyện xuất phát từ bản tin của Tân Hoa xã hồi tháng 4, với nội dung nói Ngoại trưởng Fiji và Trung Quốc đã thống nhất về một "tuyên bố chung" ủng hộ nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông "thông qua tham vấn hữu nghị" chứ không phải hành động pháp lý.

Ngọn hải đăng mà Trung Quốc xây trái phép trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters


Ngay hôm sau, truyền thông Fiji nhanh chóng đăng tin để "đính chính" rằng họ không đưa ra tuyên bố nào để ủng hộ Trung Quốc. Bộ Thông tin Fiji khẳng định nước này tuân thủ nghiêm ngặt chính sách không đứng về phe nước nào; đồng thời kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc giục các bên liên quan trong tranh chấp tận dụng những biện pháp hòa bình.

Trong khi đó, Ngoại trưởng của Papua New Guinea (PNG) Rimbink Pato trả lời trên Radio New Zealand rằng Trung Quốc cũng đưa ra đề nghị tương tự với họ, nhưng giới chức PNG đã khẳng định tranh chấp cần giải quyết trên cơ sở luật quốc tế.

Ngoài ra, những đảo và quần đảo còn lại như Solomon, Tuvalu, Kiribati và Nauru đều có quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan (Trung Quốc) tốt hơn so với tại đại lục. Hồi ngày 6/6, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Feng Shik-kuan khẳng định đảo này sẽ không công nhận Vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc nhăm nhe thiết lập ở Biển Đông.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò". Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông.

Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn lên PCA, kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tòa quốc tế sẽ phán quyết cách giải thích của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" có phù hợp hay không phù hợp UNCLOS.

Theo giới quan sát, phán quyết của PCA nếu có lợi cho Philippines cũng đồng nghĩa với việc khiến Trung Quốc mất mặt trên trường quốc tế và có thể tạo cho Mỹ nhiều lý do để hỗ trợ đồng minh Philippines.

Việc Trung Quốc "phớt lờ" phán quyết của PCA cùng việc nước này quyết định leo thang căng thẳng trên Biển Đông sẽ chỉ dẫn tới sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ tại khu vực, theo chiến dịch thực thi “quyền tự do hàng hải”.

Tác giả bài viết: Minh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP