Hiện nay ngay tại địa bàn Quỳ Châu, Quế Phong giống vịt gốc không còn nhiều mà chỉ một số ít hộ dân nuôi nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu gia đình mình.
Ông Vi Thanh Đoàn ở bản Xóm Mới, xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) cho biết, đặc điểm của vịt bầu Quỳ là đầu to, cổ ngắn, chân thấp, bụng sà sát đất. Một con vịt trưởng thành chỉ nặng từ 1,5 - 1,8kg. Việc chăn nuôi giống vịt bầu Quỳ không quá khó, thường chúng vẫn tự tìm thức ăn tại các khe suối, người nuôi chỉ cần bổ sung thêm lúa, gạo vào thời kỳ vịt đẻ trứng.
Bà Lô Thị Phúc, bản Xóm Mới, xã Châu Phong chăm sóc đàn vịt bầu Quỳ. Ảnh: Nhật lân
Ngoài việc không sử dụng thức ăn công nghiệp, lâu nay người dân muốn tăng đàn họ cũng không ấp trứng tại các lò ấp. Như cách nói của bà Lô Thị Phúc, vợ ông Vi Thanh Đoàn thì bà con vẫn "nhờ" gà ấp hộ. Và cho dù cũng ở Quế Phong, Quỳ Châu nhưng không phải bản làng nào cũng nuôi được vịt bầu Quỳ vì phụ thuộc vào nguồn nước, ao hồ, khe suối.
Khác với các loại vịt thông thường, vịt bầu Quỳ xương nhỏ, thịt thơm, vị ngọt giữ lâu, thịt đặc biệt mềm nhưng không bở, béo nhưng không ngán. Có nhiều cách chế biến vịt bầu Quỳ, ngoài việc hấp, quay, lâu nay đồng bào dân tộc Thái vẫn nấu vịt với măng chua, nướng cùng lá rừng... Đây là những món khiến thực khách mê mẩn.
Ngoài những giá trị dinh dưỡng hiếm có, xung quanh giống vịt bầu Quỳ cũng có những câu chuyện được người địa phương kể lại về những con vịt "đẻ trứng vàng" theo đúng nghĩa đen. Theo đó, trước đây vùng đất Quế Phong, Quỳ Châu được xem là "rốn vàng" ở miền Tây Nghệ An, và trong quá trình mò tìm thức ăn tại các khe suối, lũ vịt nuốt cả vàng sa khoáng. Chính vì vậy, khi người ta giết thịt mới bắt gặp vàng cám trong mề vịt. Và điều này càng khiến cho vịt bầu Quỳ trở nên "trứ danh" trong nhóm thủy cầm.
"Hiện nay huyện Quỳ Châu cũng triển các chương trình, dự án như Chương trình 30a hỗ trợ người dân phát triển đàn vịt bầu Quỳ, tuy nhiên về cơ bản đó đều là giống lai F1, F2, còn vịt gốc không có nhiều" - ông Vi Thanh Đoàn nói./.
Nguồn tin: Báo Nghệ An