Trong tỉnh

Trong 9 tháng, thu NSNN của Nghệ An đạt 16.921 tỷ đồng, vượt 106,4% dự toán

Ngày 7/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024. Báo cáo nêu nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho 3 tháng cuối năm, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Thu ngân sách Nhà nước tại Nghệ An 9 tháng đầu năm ước đạt 16.921 tỷ đồng

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An đã duy trì sự ổn định và đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh đã góp phần giữ vững đà tăng trưởng. Kết quả này thể hiện rõ nét qua các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thương mại.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt 8,3%, xếp hạng 16 cả nước và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 4,1%, công nghiệp – xây dựng tăng 13,47%, dịch vụ tăng 6,65% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,32%. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, tổng diện tích gieo trồng đạt 264.821 ha, với năng suất lúa vụ Xuân và Hè Thu đều tăng so với cùng kỳ.

Lĩnh vực công nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,64%. Các ngành chế biến, sản xuất điện tử và may mặc tăng mạnh. Tương tự, thương mại và dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 23,25%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2.326 triệu USD, tăng 32,01%. Lượng khách du lịch đến Nghệ An ước đạt 8,43 triệu lượt, tăng 15%, góp phần nâng cao doanh thu ngành du lịch lên 10.217 tỷ đồng.

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo


Ngành ngân hàng của Nghệ An dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ với tổng nguồn vốn huy động ước đạt 256.856 tỷ đồng, tăng 10,55% so với đầu năm.

Trong 9 tháng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Nghệ An đạt 16.921 tỷ đồng, vượt 106,4% dự toán. Đặc biệt, thu nội địa đạt 15.712 tỷ đồng, vượt 108,1% so với dự toán. Tuy nhiên, chi ngân sách địa phương ước đạt 24.188 tỷ đồng, chỉ đạt 66,9% dự toán, cho thấy cần có sự điều chỉnh để đảm bảo nguồn lực tài chính hiệu quả.

Về giải ngân đầu tư công, đến hết tháng 9/2024, Nghệ An đã giải ngân 5.590,345 tỷ đồng, đạt 60,26% kế hoạch. Nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành như hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội và đường nối Vinh – Cửa Lò. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn như đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò và dự án đường tránh thị trấn Nam Đàn.

Tỉnh đã cấp mới 61 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 18.774,6 tỷ đồng. Tổng vốn cấp mới và điều chỉnh đạt 35.581,7 tỷ đồng, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, Nghệ An cũng thành lập mới 1.649 doanh nghiệp, tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế địa phương.

Lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, với nhiều kết quả tích cực. Ngành y tế tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong năm học 2023-2024, Nghệ An xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng học sinh giỏi quốc gia và thứ 12 cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng 10 bậc so với năm 2023.

Công tác cải cách hành chính tại Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực. Tỉnh xếp thứ 15/63 về chỉ số Par-Index và thứ 12/63 về chỉ số SIPAS, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được triển khai hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công.

Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các hoạt động đối ngoại và công tác thanh tra được thực hiện hiệu quả, giúp duy trì ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tỉnh Nghệ An vẫn đối mặt với một số khó khăn, như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, tiến độ giải ngân đầu tư công của một số nguồn vốn còn chậm và công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Đặc biệt, chỉ số PAPI và PCI của tỉnh giảm mạnh so với năm trước, cần có biện pháp cải thiện kịp thời.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024

Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm. Các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu đã đề ra, với sự quyết tâm cao trong từng nhiệm vụ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 137/2024/QH15 về các cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Các dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án LNG Quỳnh Lập và cảng nước sâu Cửa Lò cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Cảng nước sâu Cửa Lò là một trong những dự án cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện


Ngoài ra, Nghệ An sẽ tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của các công trình trọng điểm. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tăng cường phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sẽ được chú trọng. Tỉnh sẽ theo dõi sát sao tình hình thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời, đồng thời tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.

Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng là những nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh sẽ triển khai các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hỗ trợ người dân gặp khó khăn về nhà ở và giải quyết tốt công tác kết nối cung cầu lao động.

Tác giả: Phan Huy

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP