Trong nước

Trở về sau 5 năm bị bán sang xứ người: Ước mơ bao giờ thành thật?

Những mảng tối dệt nên số phận nghiệt ngã của người đàn bà vẫn cứ đeo đẳng, những trầm luân cứ nối tiếp, dồn dập mãi không dứt.

Câu chuyện mà chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1968, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) kể với PV thỉnh thoảng lại bị đứt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt đắng cay.

Uống một chút nước, lấy lại bình tĩnh, chị Hằng tiếp tục kể: “Sau nhiều đắn đo, tôi quyết định theo chồng sang Trung Quốc sống. Mặc dù không thể đi lại nhưng chồng tôi đối xử rất tử tế, chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Mọi sinh hoạt hàng ngày chủ yếu do chồng giúp đỡ, ngoài ra đứa con lớn cũng đã biết cách giúp đỡ mẹ. Đó thực sự là quãng thời gian mà tôi sống rất hạnh phúc”.

“Đến năm 2007, tôi mang thai đứa con thứ hai với người chồng Trung Quốc. Khi biết sự việc, tôi và chồng thực sự không dám tin. Chín tháng mười ngày mang thai là quãng thời gian không hề đơn giản với cả những người bình thường chứ đừng nói đến người bị liệt như tôi. Cũng đã có lúc nghĩ đến việc từ bỏ thiên chức, nhưng nghĩ dẫu sao con cũng là máu mủ nên không nỡ”, chị Hằng nghẹn lời.

Sau bao cố gắng của cả chị Hằng và chồng, đứa nhỏ cũng ra đời khỏe mạnh và hoàn toàn bình thường. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với người đàn bà có số phận nghiệt ngã, nào ngờ bi kịch lại ập đến...

Cuối năm 2007, khi đứa con mới tròn 2 tháng tuổi, chồng chị Hằng đột ngột qua đời vì bị cảm. “Lúc đó, tôi hoàn toàn mất phương hướng, trụ cột của gia đình không còn. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi lại bắt đầu lo lắng cho tương lai phía trước, không biết sẽ phải sống như thế nào”- chị Hằng nói trong nước mắt.

May mắn lúc đó, đứa con trai của chị Hằng cũng đã có thể giúp mẹ làm việc nhà, ba mẹ con cứ nương tựa vào nhau mà sống. Với số tiền ít ỏi hai vợ chồng dành dụm được cùng sự giúp đỡ của mọi người, chị Hằng và các con ở bên Trung Quốc được thêm 2 năm nữa.

Đến năm 2009, khi đứa con thứ hai đã cứng cáp, vì điều kiện quá khó khăn, 3 mẹ con chị Hằng lại dắt díu nhau về nhà ngoại ở Việt Nam, một sự lựa chọn ngoài mong muốn!

Trở về quê sau bao năm bôn ba, chịu nhiều thăng trầm nơi xứ người, thứ tài sản mà người đàn bà mang theo là 2 đứa con, thân hình không còn nguyên vẹn và những nỗi đau chồng chất.

Người đàn bà bất hạnh luôn ao ước có một chiếc xe lăn để đỡ phụ thuộc vào người mẹ đã già yếu.


Chị Hằng đưa con về ở với người mẹ đã toan về già. Một mình bà chăm nom cho cả 3 mẹ con, rất vất vả. Chị Hằng rất thương mẹ nhưng cũng không còn cách nào khác vì bản thân mình lo chưa nổi, sao chăm sóc được cho 2 con.

Cũng vì điều kiện quá khó khăn, chị Hằng không thể cho các con của mình đi học, để con phải sống một cuộc sống khác xa với bạn bè cùng trang lứa. Đó chính là điều chị day dứt mãi, mỗi lần nhắc đến là lại dưng dưng.

Trở về quê hương, không có giấy tờ, không có hộ khẩu. Chị Hằng làm đơn gửi lên xã xin nhập hộ khẩu, chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ có chị Hằng và đứa con gái nhỏ mới hoàn tất thủ tục, còn con trai của chị thì vẫn chưa.

Theo chính quyền địa phương, giấy tờ của con trai chị Hằng không đáp ứng được yêu cầu theo quy định nên chỉ cấp cho giấy tạm trú, tạm vắng.

Không có giấy tờ tùy thân, con trai chị Hằng không thể đi làm ăn xa, chỉ quanh quẩn gần nhà làm công việc chân tay. Đầu tắt mặt tối mà cuộc sống quá khó khăn, người con trai lại quay trở lại Trung Quốc làm thuê làm mướn, khi nào có tiền thì về Việt Nam thăm mẹ, thăm em.

Nhìn con chịu nhiều thiệt thòi, chị Hằng thương rớt nước mắt nhưng cũng đành bất lực. Người mẹ tật nguyền ấy sống trong nỗi khổ tâm đeo đẳng, cứ luôn tự trách mình, cho rằng mình chính là nguyên nhân làm những người thân phải sống khổ sở, vất vả.

Mặc cho người đời dị nghị, người mẹ già của chị Hằng vẫn thương yêu và chăm lo vô điều kiện cho đứa con gái thiệt thòi của mình. Còn đứa con trai lớn của chị Hằng dù vất vả nhưng rất hiểu chuyện, không trách mẹ vì không thể cho ăn học bằng chúng bạn.

Cô con gái nhỏ thì cũng rất thương mẹ, còn nhỏ nhưng đã biết giúp bà việc nhà và chăm sóc cho mẹ. Gia đình chị Hằng cũng nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Mọi người xung quanh cũng dần có cái nhìn cảm thông và thiện cảm với người đàn bà bất hạnh.

Kể đến đây, bất giác chị Hằng mỉm cười hạnh phúc. Chị nói đó chính là là động lực để chị có thể vượt qua những tháng ngày tủi nhục, những mặc cảm và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Mong muốn lớn nhất của chị Hằng thời điểm hiện tại là các cấp chính quyền có thể xem xét, tạo điều kiện để con trai chị có thể nhập khẩu tại địa phương và làm các giấy tờ tùy thân. Đặc biệt, chị muốn có một chiếc xe lăn để tiện cho việc di chuyển hàng ngày, đỡ phụ thuộc vào người mẹ đã già yếu…

Quá khứ đen tối, chị Hằng sẽ quên đi, sẽ hướng tới một cuộc sống tốt đẹp với nhiều hy vọng mới. Chị cũng đã tha thứ cho tất cả những người đã dệt nên những mảng đen tối trong cuộc đời mình để có thể sống thanh thản và vui vẻ.

Những tia nắng len lỏi qua ô cửa sổ nhỏ làm sáng bừng căn phòng tăm tối. Nụ cười của người đàn bà trải nhiều gian truân không quá rạng rỡ nhưng đủ khiến người ta cảm thấy an lòng…

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Tác giả bài viết: Phan Giang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP